Gần nghìn trẻ mồ côi từ hủ tục "nối dây"

ANTĐ - Tỉnh Phú Yên hiện có đến 900 trẻ em thuộc các dân tộc thiểu số mồ côi mẹ nhưng không được cha nuôi dưỡng. Phần lớn các em bị ảnh hưởng từ tập tục “nối dây”

Tục “nối dây” là tập tục còn khá nặng nề đối với các buôn làng người Êđê ở Phú Yên. Với tập tục này, một khi người mẹ mất đi thì người cha hoặc ở vậy nuôi con hoặc muốn đi bước nữa phải lấy chị hay em vợ mới tiếp tục ở lại gia đình, nuôi con. Nếu muốn đi bước nữa với người ngoài họ vợ thì người cha phải bỏ lại toàn bộ gia sản cùng con cái cho phía họ vợ nuôi rồi trở về với gia đình cha mẹ đẻ nên tục nối dây còn có tên khác là tục “trở về”.

Bỗng dưng mồ côi

Tại lễ bỏ mả của H’Oai ở buôn Ma Sung, xã EaBia, huyện Sông Hinh (Phú Yên), người ta thấy bà H’Rét (mẹ H’Oai) đang khắc khổ địu đứa cháu (con H’Oai) mới 12 ngày tuổi, chưa kịp đặt tên. Ngày bỏ mả cho vợ, cũng là ngày Y Hơn giao lại con cho phía họ ngoại nuôi cùng nhà cửa để trở về quê của mình. “Biết làm gì nữa, tập tục đã vậy. Mình phải về quê”- Y Hơn tâm sự.

Đứa cháu ngủ say trên lưng H’Rét không hề biết ngày hôm nay mình đã mất mẹ và mất luôn cả cha. Chưa vơi nỗi nhớ thương con gái vừa mất, nay H’Rét lại phải chứng kiến cảnh con rể bỏ cháu ra đi theo tập tục của buôn làng. Bà buồn đến không muốn nói chuyện. “Giờ gắng mà nuôi cháu chứ biết làm sao”- H’Rét ngậm ngùi nói.

Những trường hợp mẹ chết, cha bỏ đi và con phải nương tựa vào nhà họ ngoại là khá nhiều ở huyện Sông Hinh. Chỉ tính riêng ở xã EaBia từ năm 2000 đến nay đã có 25 gia đình bị “tan đàn xẻ nghé” bởi nhiều người cho rằng tập tục này là không thể vượt qua.

Gần nghìn trẻ mồ côi từ hủ tục "nối dây" ảnh 1
Bà H’Rét dù tuổi già vẫn phải chăm cháu

Một câu chuyện đau lòng khác ở đây là trường hợp của Ksor H’Mai. Chị của Ksor H’Mai là Ksor H’Lan mất, người anh rể bỏ về quê cha mẹ để lại 5 đứa cháu cho Ksor H’Mai nuôi dưỡng khi H’Mai còn đang tuổi đi học (15 tuổi). “Mình còn nhỏ, anh không thể đợi nên về quê lấy vợ khác, theo phong tục thì mình phải nuôi cháu. Mình ăn gì cho cháu ăn nấy”- H’Mai tâm sự.

Kế bên nhà Ksor H’Mai là căn nhà lụp xụp của Ksor H’Sách. 14 tuổi nhưng khuôn mặt cô bé trông già đi nhiều. Mẹ mất cách đây 2 năm, cha về quê lấy vợ khác bỏ lại H’Sách nuôi 4 người em nheo nhóc. “Em chỉ mong một lần ba về thăm chúng em, nhưng từ đó đến nay ba chưa về”- H’Sách cúi mặt giấu những giọt nước mắt.

Gánh nặng cho xã hội

Trẻ mồ côi mẹ lại không được cha nuôi dưỡng sẽ gặp nhiều thiệt thòi hơn rất nhiều lần, dù có được dòng họ bên ngoại cưu mang cũng chỉ bù đắp được phần nào. Các trẻ gặp thiệt thòi như thế không những thêm trách nhiệm cho dòng họ mà còn là gánh nặng của xã hội. Trong khi đó, chuyện làm thế nào để trợ cấp hợp tình hợp lý cho các trẻ em thuộc diện này lâu nay là vấn đề đau đầu của ngành LĐ-TB-XH.

Khi đặt vấn đề trợ cấp đối với những trẻ em mồ côi thuộc diện này, ông Phan Văn Ân, Phó Phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh, cho biết: “Cuộc sống các cháu rất khó khăn nhưng cấp phòng của huyện cũng không kiếm đâu ra nguồn thu để lo cho các cháu”.

Hiện tại, số trẻ mồ côi mẹ lại phải mồ côi cả cha do tập tục “nối dây” chủ yếu sống nhờ vào sự đùm bọc của buôn làng, dòng họ mà chưa có sự trợ cấp chính thức nào của xã hội. Theo bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, một phần lỗi của việc không trợ cấp cho các cháu là ở chính quyền địa phương.

Theo quy định của ngành, trẻ chỉ mồ côi mẹ nhưng được cha nuôi dưỡng thì không được trợ cấp. “Trong trường hợp mẹ mất nhưng cha không nuôi dưỡng, nếu có xác nhận của chính quyền địa phương thì vẫn xem đứa trẻ ấy là mồ côi cả cha lẫn mẹ, ngành sẽ có chính sách trợ cấp cho đối tượng này”- bà Phạm Thị Tương Lai nói.

Ông Ksor Phước, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Quốc hội:

Tập tục lạc hậu cần loại bỏ

Tục “nối dây” thể hiện quan hệ xã hội của một số dân tộc thiểu số về quan hệ mẫu hệ. Ở đây người đàn ông nói chung và người chồng nói riêng trong một gia đình là không có quyền sở hữu và quyền thừa kế các tài sản trong gia đình do mình làm ra. Thứ hai là không có quyền quyết định nuôi, chăm sóc đứa con của mình nếu mình rời khỏi gia đình của bên vợ. Đây là một tập tục lạc hậu cần loại bỏ.

Muốn loại bỏ tập tục này, theo tôi đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Ở đây có vấn đề về bình đẳng giới giữa đàn ông và đàn bà của đồng bào dân tộc thiểu số. Và phải làm thế nào để người ta không lợi dụng tập tục để thoái thác trách nhiệm của người đàn ông trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con khi vợ chết.
Vì vậy cần xử lý cả những người đàn ông, những người cha mà trốn tránh trách nhiệm chăm lo đứa con của mình chưa đến tuổi thành niên. Đồng thời cũng phải xử lý cả gia đình bên vợ khi lợi dụng vấn đề này để tự ý loại bỏ vai trò làm cha của người chồng.

Còn để giải quyết tình thế trước mắt thì theo tôi, giữa Bộ LĐ-TB-XH cùng với Ủy ban Dân tộc nên có thống kê tình hình của các cháu thuộc diện đối tượng này, để có báo cáo với Chính phủ nên có một chính sách giải quyết đặc thù.