Gàn dở và cố chấp

ANTĐ - Một nhóm nhà nhiếp ảnh người Mỹ muốn có những bức hình ghi lại chân thực cảnh lao động của người nông dân Trung Quốc, do vậy đã tìm đến một nông trại đặt vấn đề mua 1.000 quả hồng chín với giá 200USD.

Khỏi phải nói người chủ trang trại mừng đến cỡ nào vì bán được giá cao gấp đôi ở chợ. Anh ta bèn gọi mấy người hàng xóm đến giúp, cứ hai người một cặp, người trên cây dùng móc câu cắt cuống quả hồng, còn người đứng dưới dùng giỏ lót rơm để đỡ. Những quả hồng gần chín theo nhau rơi xuống lộp bộp, người đứng dưới nhanh tay lấy từ trong giỏ ra xếp vào thùng, tiếng gọi nhau, cười đùa cực kỳ vui nhộn. Nhóm nhiếp ảnh gia thấy đúng ý mình cần, đứng ở mọi góc độ chụp được rất nhiều ảnh đẹp.  

Đến gần chiều, công việc hái lượm đã xong, những người ngoại quốc trả tiền rồi chuẩn bị đi khỏi nông trang, nhưng lập tức bị những nông dân giữ lại, hỏi vì sao không mang số hồng vừa được hái xuống đi. Một nhiếp ảnh gia đứng ra giải thích bằng thứ tiếng bập bõm, rằng bọn họ đã đạt được mục đích của mình nên không cần lấy hồng nữa, tùy người chủ muốn làm gì thì làm với số quả này. Người chủ nông trại ngẩn ra, ngẫm ngợi một lát, rồi đùng đùng nổi giận: “Hồng của tôi chất lượng tốt, mã lại đẹp, không có lý gì mà các người lại coi thường như thế”. Nhóm người Mỹ nhún vai, tỏ ra buồn cười nhưng vẫn cố giải thích rằng họ không có ý coi thường, chỉ vì mục đích của họ là chụp ảnh chứ không phải mua hồng ăn. Song giải thích đến thế nào, chủ nông trại vẫn quả quyết rằng nếu họ không lấy hồng tức là coi thường thành quả lao động của ông ta. Cuộc đôi co diễn ra tới nửa ngày, dù cuối cùng chủ nông trại cũng để mấy người ngoại quốc đi, nhưng cơn giận còn kéo dài đến mấy ngày sau. Gặp ai ông ta cũng kể lể: “Trên đời này lại có những kẻ ngu ngốc đến thế là cùng”.

Quả thực trên đời cũng luôn có những người giống như chủ nông trại đó, biết một mà không biết hai, cứ khăng khăng là mình đúng, nên làm mất thời gian và hao tổn cả tâm trí của chính mình cũng như những người xung quanh.