Gần 700 đoàn kiểm tra của Hà Nội tăng tốc "truy" thực phẩm kém chất lượng

ANTD.VN - Thời điểm này, ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố, gần 700 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) ở tất cả quận, huyện, thị xã của Hà Nội đang bước vào cao điểm chiến dịch "truy" thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng…

Gần 700 đoàn kiểm tra của Hà Nội tăng tốc "truy" thực phẩm kém chất lượng ảnh 1

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 TP. Hà Nội kiểm tra tại quận Thanh Xuân

Tiêu hủy hàng trăm lít rượu, lọ phụ gia thực phẩm không rõ xuất xứ

Thực hiện kế hoạch của Tháng hành động vì ATTP năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, từ ngày 15-4, quận Thanh Xuân đã thành lập 14 đoàn kiểm tra ATTP, bao gồm 11 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP phường, 2 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP quận; 1 đoàn liên ngành kiểm tra vệ sinh ATTP tại các trường học.

Tính từ 15-4 đến đầu tháng 5-2019, qua công tác kiểm tra của các đoàn, quận Thanh Xuân đã xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp với số tiền phạt hơn 30 triệu đồng, đáng chú ý trong đó có 2 bếp ăn tập thể lớp mầm non tư thục.

Các lỗi vi phạm thường gặp là nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh; người trực tiếp chế biến thức ăn không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…

Ngoài phạt tiền, quận Thanh Xuân đã tiêu huỷ các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP, gồm: 70 lít rượu không có tem mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 26 lọ phụ gia không rõ nguồn gốc; 18 hộp hoa quả và hoa quả khô; 52 túi bánh mì, sữa chua, chè các loại.

Cũng giống như quận Thanh Xuân, công tác kiểm tra ATTP đang được quận Long Biên tăng cường cả về số đoàn lẫn tần suất kiểm tra.

Bà Lương Thị Minh Nguyệt, Trưởng Phòng Y tế quận Long Biên cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, quận đã triển khai 16 đoàn kiểm tra liên ngành. Trực tiếp lãnh đạo UBND quận và các phường đã tham gia nhiều cuộc kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Hiện trên địa bàn quận Long Biên có 6.023 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tính từ đầu Tháng hành động đến nay, các đoàn kiểm tra của quận và các phường đã kiểm tra được 170 cơ sở, xử phạt 16 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 45 triệu đồng. 

Không chỉ vậy, các đoàn kiểm tra của quận Long Biên cũng đã lấy mẫu thực phẩm để làm xét nghiệm nhanh một số chỉ tiêu về tinh bột, độ sôi, dấm vô cơ, phẩm màu, độ ôi khét, hàn the, methanol... qua đó phát hiện gần 500 mẫu thực phẩm không đạt chất lượng.

Các đoàn kiểm tra ATTP lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm

Không nương tay với vi phạm, kết hợp xử phạt với tuyên truyền

Nhìn chung, qua đợt cao điểm kiểm tra ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội từ giữa tháng 4-2019 đến nay cho thấy, nhận thức của người dân, ý thức chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được nâng cao đáng kể. Dù vậy, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, các sản phẩm thực phẩm được làm nhái, làm giả với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, không dễ nhận biết…

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường - Sở Công Thương Hà Nội, một trong những “chiêu” làm nhái, làm giả thường gặp với thực phẩm, nhất là thực phẩm nhập khẩu, đó là in ấn nhãn mác giả hoặc dùng chất tẩy để tẩy xóa hạn sử dụng cũ, thay hạn sử dụng mới trên nhãn mác sản phẩm…

Trong khi đó, công tác giám định mẫu thực phẩm còn nhiều hạn chế, ý thức tố cáo thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng của người tiêu dùng chưa cao…

Từ thực tiễn kiễm tra, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 thành phố Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực thực hiện, chỉ đạo triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2019 của các cấp, các ngành, các quận huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu từ nay đến hết tháng hành động, các quận, huyện, thị xã phải tiếp tục tập trung cao công tác kiểm tra liên ngành ATTP từ cấp quận đến phường. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Thông báo công khai kết quả kiểm tra ATTP để người dân biết và cùng giám sát cơ sở.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, phải chú ý kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về đảm bảo ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP.