Fed phát tín hiệu “diều hâu”, các ngân hàng lo áp lực tỷ giá tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Fed tuyên bố có thể cần tăng lãi suất cao hơn dự kiến khiến chỉ số đồng USD tăng cao, đè nặng áp lực lên tỷ giá.

Ngày 7/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cảnh báo có thể sẽ cần tăng lãi suất cao hơn dự kiến do lạm phát “nóng” trở lại. Đồng USD đã ngay lập tức phản ứng với thông tin này khi tăng vọt lên mức cao nhất 3 tháng, đóng cửa phiên 9/3 ở mức trên 105,3 điểm.

Cập nhật cuối ngày 10/3 theo giờ Việt Nam, chỉ số này đảo chiều giảm song vẫn đứng ở mức cao, trên 104 điểm. Đồng USD hạ nhiệt sau khi dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng cao hơn dự kiến ​​vào tuần trước, làm tăng hy vọng rằng thị trường lao động yếu đi sẽ làm giảm khả năng Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.

Tỷ giá trở nên nóng hơn trong những ngày gần đây

Tỷ giá trở nên nóng hơn trong những ngày gần đây

Trong nước tỷ giá trung tâm phiên giao dịch cuối tuần, ngày 10/3 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 23.639 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với mức niêm yết hôm qua.

Tại các ngân hàng thương mại, sau khi tăng trong phiên trước thì tỷ giá phiên cuối tuần cũng quay đầu giảm với mức giảm từ 35 – 45 USD mỗi ounce. Theo đó, giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.450 – 23.535 VND/USD, còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.830 - 23.880 VND/USD.

Tuy nhiên, trên thị trường tự do, kỳ vọng tăng giá đối với đồng bạc xanh vẫn khá lớn. Phiên cuối tuần, giá mua vào USD đã tăng 70 đồng, giá bán ra tăng 20 đồng, lên mức 23.730 – 23.780 đồng/USD.

Quan sát tình hình tỷ giá những ngày gần đây, các chuyên gia Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại đạt khoảng 92,43 tỷ USD. Riêng trong tháng 2, NHNN đã mua thêm khoảng 650 triệu USD. Động thái mua vào ngoại tệ của NHNN được thực hiện kể từ tháng 1/2023. Song, giới phân tích nhận định áp lực tỷ giá vẫn chưa nguôi ngoai.

So với cuối năm 2022, tính tới ngày 3/3/2023, đồng VND đã giảm giá trở lại 0,6% so với đồng USD.

Nhiều đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á cũng đã có diễn biến giảm trở lại so với cuối năm 2022. Trong đó, đồng Won của Hàn Quốc là đồng tiền có diễn biến mất giá cao nhất -3,94%, trong khi đồng Rupiah của Indonesia là đồng tiền vẫn đang tăng giá với mức 2,43% kể từ đầu năm.

Theo giới phân tích, nhiều khả năng Fed phải kéo dài việc tăng lãi suất với mức lãi suất cuối cùng cao hơn dự tính hồi cuối tháng 12. Điều này đã khiến cho chỉ số USD Index có diễn biến tăng trở lại, qua đó tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.

Điều này cũng nằm trong dự báo định kỳ của các thành viên Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA).

Dự báo đưa ra trong tháng 3, các thành viên VIRA đồng loạt nâng điểm đến mới của giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng. Theo đó, giá USD giao ngay trên liên ngân hàng sẽ duy trì trên 23.700 VND – cao hơn nhiều so với mốc Sở Giao dịch NHNN niêm yết mua vào (23.450 đồng/USD), trong khi đó thực tế kỳ tháng 2 là 23.651 đồng/USD.

VietinBank dự báo tỷ giá này lên tới 23.850 đồng/USD, trong khi các ngân hàng khác (Agribank, LienVietPostBank, VietBank, MBB, Nam A Bank, TPBank…) đều có chung dự báo tỷ giá bình quân sẽ trên 23.700 đồng/USD.

Dự báo cho kỳ 12 tháng, các ngân hàng thành viên cho rằng giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng có thể đạt tới 24.400 đồng/USD. Tuy nhiên, mức dự báo bình quân chỉ quanh mức 23.709 đồng/USD, trong khi thực tế của kỳ 1/2022 – 12/2022 là 22.978 đồng/USD.