EVN nói thêm lý do lỗ nghìn tỷ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo ông Nguyễn Xuân Nam- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá thành đưa điện đến vùng sâu, vùng xa có thể lên đến khoảng 7.000 đồng/kWh nhưng giá điện bình quân của EVN ở khu vực nào cũng được duy trì mức khoảng 1.900 đồng/kWh . EVN đang phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc nên phải chịu lỗ.
Ông Nguyễn Xuân Nam nói về số lỗ nghìn tỷ của EVN

Ông Nguyễn Xuân Nam nói về số lỗ nghìn tỷ của EVN

Chia sẻ tại toạ đàm Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: "Nhìn lại và Hướng tới" vừa diễn ra, ông Nguyễn Xuân Nam cho hay, với trách nhiệm là tập đoàn kinh tế Nhà nước, EVN được Đảng, Chính phủ và Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu; trong đó nhiệm vụ cao nhất của EVN là cung ứng điện cho đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, trong đó bao gồm cả việc thực hiện trách nhiệm xã hội khi duy trì mức giá bán lẻ điện ổn định theo chỉ đạo của Chính phủ.

Lấy ví dụ, ông Nguyễn Xuân Nam cho biết, để EVN đưa điện đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì giá thành sản xuất điện lên đến khoảng 7.000 đồng/kWh, nhưng giá điện EVN bán cho khu vực này hiện nay cũng vẫn duy trì mức khoảng 1.900 đồng/kWh theo đúng chính sách của Đảng, Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, là một doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động của EVN không đơn thuần là hoạt động lãi/lỗ, mà còn là thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, giá EVN bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất điện ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… cũng là thực hiện nhiệm vụ chính trị với chính sách mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2022, do ảnh hưởng của những bất ổn trên thế giới nên giá các mặt hàng than, khí, dầu... tăng đột biến. Ví dụ, có thời điểm giá than đã tăng gấp 5 lần, lên đến 400 USD/tấn, giá dầu cũng tăng gấp đôi trong khi giá mua điện chiếm đến 84% trong cơ cấu giá điện.

Do đó, giá than, khí tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất điện, gây khó khăn cho EVN trong cân bằng tài chính. Bước sang năm 2023, tuy giá các mặt hàng than, khí, dầu đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.

Sau 4 năm, mặc dù giá bán lẻ điện cũng đã được điều chỉnh tăng trung bình 3%, nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, thời gian tới, việc điều hành giá điện sẽ được luật hóa và tiệm cận theo giá thị trường nên EVN hy vọng sẽ bớt khó khăn về tài chính.

Năm ngoái, EVN lỗ hơn 26.200 tỷ đồng. Báo cáo của Bộ KH-ĐT gần đây cho biết, nửa đầu năm nay "ông lớn" ngành điện ghi nhận lỗ khoảng 35.400 tỷ đồng, nhưng tới tháng 8 số lỗ này giảm về còn 28.700 tỷ đồng.