EVN lỗ hơn 26.235 tỷ đồng năm 2022, đối mặt mất cân đối tài chính nếu không tăng giá điện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng.

Chiều nay 31/3, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Cuộc họp được tổ chức sau khi Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra và công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp.

Chi phí sản xuất tăng mạnh, còn nhiều khoản vẫn chưa hạch toán vào giá điện

Theo báo cáo, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng; năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng; bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.

Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Trong đó, năm 2022, tổng chi phí khâu phát điện là 412.243,53 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đồng/kWh. So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855,58 tỷ đồng.

Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.854,57 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 69,44 đồng/kWh.

Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 62.543,78 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu này theo điện thương phẩm là 257,68 đồng/kWh.

Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.623,41 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu này theo điện thương phẩm là 6,69 đồng/kWh.

Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 387,55 tỷ đồng.

Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2022 là 242,72 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 là 456.971,15 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2021. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đ/kWh, tăng 1,46% so với năm 2021.

Bộ Công Thương công bố kết quả sản xuất, kinh doanh điện của EVN

Bộ Công Thương công bố kết quả sản xuất, kinh doanh điện của EVN

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Nhờ vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Đại diện Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, theo kết quả kiểm tra, còn nhiều khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Trong đó, chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2022 lên tới hơn 14.723 tỷ đồng.

EVN đối diện mất cân đối tài chính nghiêm trọng

Theo số liệu của EVN, do chi phí đầu vào liên tục tăng cao trong cả năm 2022, tỷ giá biến động mạnh và hơn 4 năm liên tiếp không được điều chỉnh giá bán lẻ điện, hiện mỗi kWh điện bán ra, tập đoàn bị lỗ 197 đồng, tương ứng mức lỗ 10,57%. Tập đoàn đang đối diện tình trạng mất cân đối nghiêm trọng vào cuối năm nếu giá điện không được điều chỉnh.

Theo lãnh đạo EVN, với sản lượng điện thương phẩm năm 2023 dự kiến là 251,3 tỷ kWh, và mỗi kWh điện bán ra đang bị lỗ 197 đồng/kWh, EVN sẽ bị lỗ tổng cộng ước tính hơn 64.000 tỷ đồng. Trong đó, lỗ dự kiến do tỷ giá lên tới hơn 3.800 tỷ đồng.

Các số liệu thực tế cũng cho thấy, do bán điện thấp hơn giá thành, chỉ trong 2 tháng đầu năm EVN bị lỗ thêm 11.200 tỷ đồng khiến áp lực tài chính của EVN ngày càng tăng. Lãnh đạo EVN cho biết, hiện giá than, giá khí cơ bản đã thực hiện theo cơ chế thị trường, tuy nhiên giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo biến động của giá các loại nhiên liệu đầu vào gây áp lực lớn đến cân bằng tài chính của EVN.

Cùng với đó, tập đoàn sẽ không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện. Cụ thể theo tính toán của EVN trường hợp giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không được điều chỉnh thì dự kiến đến tháng 6/2023 Công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hụt 4.416 tỷ đồng và đến 12/2023 thiếu hụt 27.779 tỷ đồng.

Theo ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân căn cứ vào thông số đầu vào.

Nếu giá tăng/giảm mức 3% trở lên thì sẽ được điều chỉnh tương ứng. Tuy nhiên, do giá điện tác động lớn đến đời sống kinh tế vĩ mô, nên sẽ được tính toán kỹ lưỡng.

"EVN đã xây dựng phương án điều chỉnh giá điện với các cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị đã rà soát kiểm tra phương án và báo cáo Thủ tướng theo quy định để có phương án phù hợp. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tình hình tài chính của EVN và điều hành vĩ mô của Chính phủ" - ông Hòa cho biết.