EU - Anh căng thẳng vì "bạn vàng" Trung Quốc

ANTD.VN - Liên minh châu Âu (EU) vừa khởi động vụ kiện chống lại Anh nhằm yêu cầu bồi thường 2,7 tỷ euro tiền thuế hải quan, sau khi London bị cáo buộc làm ngơ trước sự gian lận của các công ty nhập khẩu Trung Quốc. 

EU - Anh căng thẳng vì "bạn vàng" Trung Quốc ảnh 1Vụ kiện khiến các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Anh với EU về quan hệ thương mại và thuế quan sau Brexit thêm căng thẳng

Cơ quan giám sát gian lận của EU (OLAF) cho biết Anh đã “nhắm mắt làm ngơ” cho việc sử dụng tràn lan các hóa đơn giả của các công ty Trung Quốc đối với hàng dệt may và giày dép nhằm trốn thuế nhập khẩu.

Theo báo cáo hồi tháng 3-2017, OLAF cho biết các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã “trốn một lượng lớn thuế hải quan bằng cách sử dụng các hóa đơn giả mạo và các tờ khai giá trị hải quan không đúng sự thật”. Các cuộc thanh tra sâu hơn của Ủy ban châu Âu (EC) sau đó đã phát hiện sự việc này diễn ra “trên quy mô lớn trong thời gian từ năm 2011-2017”, nhưng “Anh đã không làm gì dù được thông tin rõ về nguy cơ của sự việc”. EC ước tính việc Anh vi phạm luật pháp EU đã gây thiệt hại khoảng 2,7 tỷ euro cho ngân sách của khối. 

Không phải ngẫu nhiên mà EU đưa ra những cáo buộc trên đối với Anh. Ngay từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Anh Theresa May từng bày tỏ sự coi trọng và ủng hộ đối với quan hệ Trung - Anh trong bối cảnh quan hệ với EU sau “cuộc ly hôn” ngày càng khó đoán định, còn quan hệ với đồng minh lâu năm như Mỹ hay Pháp đang rạn nứt. Trong khi đó, EU lại đang nỗ lực đối phó với làn sóng đầu tư từ Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu có thể là nguồn cung cấp việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và thậm chí cả phát triển và tiến bộ công nghệ, nhưng nó cũng có thể là một thách thức chiến lược gây bất ổn, nếu không nói là một mối đe dọa thực sự.

 Một năm qua, Trung Quốc và Anh đều đạt được thành quả quan trọng trên các lĩnh vực như thương mại, điện hạt nhân, vận tải, tài chính, văn hóa... Anh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU, còn Trung Quốc cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của Anh. Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho biết kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trên 6% trong năm 2017, lên 79 tỷ USD. Xuất khẩu ô tô của Anh sang thị trường ô tô lớn nhất thế giới này năm 2017 tăng 15%, đạt hơn 100.000 chiếc. Các dòng vốn đầu tư phi tài chính khá cân bằng với giá trị các khoản đầu tư mỗi chiều khoảng 1,5 tỷ USD. 

Trong khi đó, hơn 500 doanh nghiệp Trung Quốc đã mở văn phòng tại Anh, với tổng số 21,8 tỷ USD vốn đầu tư vào các dự án, từ các lĩnh vực truyền thống như thương mại, tài chính và viễn thông đến các lĩnh vực mới nổi như năng lượng mới, sản xuất hàng hóa cao cấp, cơ sở hạ tầng và những trung tâm nghiên cứu. 

Cũng để đối phó với các thách thức và tính khó đoán định do Brexit đem đến cho kinh tế Anh, bà May đã đưa ra mục tiêu chiến lược “nước Anh toàn cầu”, trong đó có một nội dung quan trọng là phải tìm cách xây dựng một loạt quan hệ thương mại tự do song phương trên phạm vi toàn cầu, mở rộng không gian thương mại và thị trường hàng hóa quốc tế cho Anh trong thời đại hậu Brexit. Có chuyên gia phân tích của Anh cho rằng do chiến lược “nước Anh toàn cầu” rất phù hợp với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nên bà May và các thành viên chủ chốt trong nội các đều tỏ thái độ hoan nghênh và ủng hộ đối với sáng kiến đầy tham vọng này của Bắc Kinh.

Trong một tuyên bố, EC cho biết đã “gửi thông báo chính thức đến Vương quốc Anh”. Hiện, Anh có quyền trả lời các cáo buộc này. Nếu EC vẫn chưa hài lòng về câu trả lời của Anh, Cơ quan chấp hành của Liên minh châu Âu này có thể yêu cầu giải thích thêm và có thể đưa vụ việc lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).