Ép người khác uống rượu say sẽ bị phạt nặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cận Tết, nhu cầu sử dụng rượu bia của người dân tăng mạnh. Trong nhiều cuộc ăn uống, liên hoan, tình trạng ép nhau uống rượu bia diễn ra khá thường xuyên, gây ra nhiều vụ ẩu đả nghiêm trọng. Vậy theo quy định, hành vi ép nhậu say có bị phạt?

Gọi điện thoại đến 'Đường dây nóng' ANTĐ, bà Lê Thanh Thủy ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội phản ánh, mấy tuần gần đây, chồng bà liên tục được mời đi ăn uống, lúc thì đám cưới, mừng nhà mới, lúc thì đám giỗ, sang cát, họp họ…Và gần như hôm nào đi ăn về, chồng bà Thủy cũng ở trong trong trạng thái say mèm, có hôm còn bị ngã ngay trước cổng và vài ngày sau mới trở lại bình thường.

“Chồng tôi thể trạng yếu nhưng là con trưởng nên không thể vắng mặt trong các cuộc hiếu hỉ do những người trong họ mời. Điều đáng nói là trong các kỳ cuộc này, việc ép nhau uống rượu bia xảy ra như cơm bữa.

Người được mời từ chối thì bị trách móc, khích bác mà uống thì hại sức khỏe, có khi gục tại chỗ, gây mất an toàn nghiêm trọng khi tham gia giao thông. Tôi cho rằng cần phạt thật nặng cá nhân cố tình ép người khác nhậu say để răn đe” – Bà Thủy đề xuất.

Ép người khác rượu say vào dịp Tết sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng

Ép người khác rượu say vào dịp Tết sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng rượu bia, Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định, nghiêm cấm việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Bên cạnh đó, Luật này còn cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập…

“Hành vi ép người khác uống rượu bia có thể hiểu là cưỡng ép buộc người khác miễn cưỡng uống rượu, bia. Theo quy định, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền” – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Khoản 3 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP nêu rõ, ép buộc người khác uống rượu bia bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng nếu không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức…

Tuy vậy, trước đó, người bị ép uống rượu phải thực hiện việc tố giác người vi phạm và chứng minh được bản thân bị cưỡng ép sử dụng rượu, bia bằng cách đưa ra hình ảnh, bằng ghi âm hay video ghi lại hành động, lời nói thể hiện bị người khác ép uống rượu, bia hoặc có người làm chứng về việc này. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền mới có cơ sở xử lý theo quy định.

Sở dĩ tình trạng ép uống rượu bia xảy ra khá phổ biến một phần do người bị ép còn cả nể, không chủ động, thiếu quyết liệt trong việc từ chối và khi bị ép, họ cũng không báo cáo đến cơ quan chức năng nên không có cơ sở để xử lý.

Bên cạnh đó, người ép buộc người khác uống rượu bia không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật hoặc biết nhưng cố tình lờ đi. Ngoài ra, dù pháp luật đã có quy định nhưng hầu như chưa có cá nhân nào bị xử lý về hành vi này. Đây chính là nguyên nhân khiến việc ép nhậu say chưa có hồi hết – Luật sư Thu nhận định.