- Ukraine mong lực lượng gìn giữ hòa bình sớm có mặt tại Donbass
- Kiev "bật đèn xanh" cho vũ khí hủy diệt hàng loạt
- Cháy trạm xăng tại Ghana, hơn 150 người thiệt mạng
Câu chuyện của Andres Herrera
Bước ra từ một quán bar ở Tijuana, Andres Herrera tìm đến con hẻm tồi tàn để sử dụng ma túy. Đó là số ma túy mà Andres Herrera mua được bằng tiền lấy cắp của khách du lịch. Andres Herrera sinh ra tại Mexico nhưng theo gia đình tới Mỹ từ khi còn nhỏ. Andres Herrera đã lớn lên tại Mỹ, phạm tội và thụ án tại Mỹ nhưng sau khi mãn hạn tù lại bị trục xuất trở lại Mexico.
Andres không nói được tiếng Tây Ban Nha và cũng không biết ai ở Mexico vì gia đình anh hiện đang sống tại Mỹ. “Tôi đang lập kế hoạch để vượt biên trở lại Mỹ. Nếu bị bắt, cuộc sống trong tù còn tốt hơn so với cuộc sống ở Zona Norte”, chất giọng bản địa California của Andres Herrera run lên khi anh dò dẫm tìm tĩnh mạch để chích thuốc.
Andres Herrera cũng như rất nhiều người bị trục xuất về Mexico rơi vào vòng xoáy của ma túy
Andres Herrera sống ở Tijuana và cuộc sống nơi đây ngập tràn trong ma túy. Hơn 1/2 số ma túy buôn lậu vào Mỹ đi qua khu vực biên giới Tijuana. Các băng đảng tội phạm khét tiếng như Sinaloa Cartel đã chi phối cuộc sống ở phía tây bắc Mexico và biến khu vực này thành “địa ngục ma túy”. “Khi tôi là một đứa trẻ, vùng đất này thật yên bình nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi, chỉ còn bạo lực, ma túy và nghèo đói”, doanh nhân Roberto Martinez nói với MailOnline.
Roberto sở hữu một công ty nhỏ nằm ngay trên con hẻm mà Andres tìm đến để chích thuốc. Con hẻm này cũng là “điểm hẹn” yêu thích của những con nghiện ma túy ở Tijuana. Ở đây, dấu vết của ma túy hiện hữu khắp nơi, các băng đảng tội phạm xuất hiện khắp các ngõ ngách. Người ta dễ dàng tìm thấy những tên côn đồ bịt mặt, công khai mang súng ngắn và bán gói nhỏ heroin với giá 5 USD.
Đường về nẻo thiện còn xa
Andres Herrera chỉ là một trong 20.000 công dân Mỹ trước đây sống ở Zona Norte, Mexico. Họ đã sống phần lớn cuộc đời tại Mỹ và Mexico giống như “nước ngoài” của họ. 36% những người bị trục xuất sống trong khu vực biên giới Mexico. Ước tính, 9/10 người bị trục xuất trở lại Mexico là người nghiện ma túy, nhiều người nhiễm HIV hoặc giang mai.
Hầu hết những người đàn ông như Andres rơi vào vòng xoáy của ma túy. Tất cả đang chờ đợi cơ hội để vượt biên quay trở về Mỹ. “Khoảng 60% những người sống ở đây nghiện ma túy. Nếu nói về những người bị trục xuất, có 9/10 người nghiện ma túy. 1.700 người thường xuyên tìm đến khu vực cung cấp bơm kim tiêm hàng tuần. 70% trong số này bị viêm gan C”, một nhân viên cảnh sát địa phương nói.
“Chicanos” là một thuật ngữ mà người dân địa phương sử dụng để miệt thị người Mỹ gốc Mexico. Họ bị xã hội Tijuana chối bỏ, không được cấp các giấy tờ theo pháp luật của Mexico. Nhiều người đã quay trở lại con đường phạm tội. “Tôi không thể tìm được công việc tử tế ở đây vì hình xăm trên cơ thể. Vì vậy, tôi phải kiếm tiền bằng con đường phạm pháp”, Mario Villarino, người bị trục xuất khỏi Mỹ sau khi mãn hạn tù vì tội danh cướp có vũ trang nói.
Mario Villarino đã có “thâm niên” làm việc cho băng đảng Sinaloa Cartel ở Tijuana 8 năm. Mario Villarino đã trải qua nhiều công việc khác nhau, bắt đầu từ công việc đòi nợ thuê, sau đó là các hoạt động bắt cóc, tống tiền. “Tôi đã làm những điều khủng khiếp. Các băng đảng kiểm soát mọi thứ ở đây“, Mario Villarino nói. Sau đó, Mario Villarino đã vào trung tâm phục hồi chức năng để cai nghiện ma túy.
Tại đây, ông đã thay đổi chính mình, trở thành một nhà truyền giáo ở Zona Norte và giúp đỡ những người bị trục xuất mới. “Tôi không muốn ở đây vì đã bị tổn thương quá nhiều nhưng tôi muốn giúp đỡ những người mới đến, họ cũng giống như tôi ngày nào. Những người mới thường rơi vào tuyệt vọng và dễ rơi vào vòng xoáy tội phạm. Họ cần nhận được sự giúp đỡ”, ông Mario Villarino chia sẻ.
“Những người bị trục xuất từ Mỹ thường cảm thấy phẫn uất xã hội. Điều này có thể khiến họ trở thành mối nguy hiểm cho cộng đồng. Họ tìm đến ma túy như một giải pháp để quên đi tất cả nhưng sau đó, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”, Rosario Lozada một quan chức của Tijuana nói với MailOnline. Moses Vasquez, 36 tuổi, người bị trục xuất đến Mexico năm ngoái nói rằng, việc trục xuất đã để lại hậu quả pháp lý nặng nề, gây đau khổ cho những công dân như ông. “Tôi thích Mexico nhưng tôi là người Mỹ. Điều khó khăn nhất với chúng tôi là bị tách khỏi gia đình. Luật Nhập cư cần phải được xem xét lại. Nếu chính sách chỉ ảnh hưởng đến một vài người thì có thể bỏ qua nhưng khi nó ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình thì phải được cân nhắc”, Moses Vasquez nói.