Đường ống nước sông Đà sẽ vỡ tiếp?

ANTĐ - Cuối tháng 11 vừa qua, đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội lại bị vỡ, gây ảnh hưởng đến gần 70.000 hộ dân. Đáng nói, dù mới đưa vào sử dụng nhưng đây là lần thứ 3 đường ống này bị vỡ.

Hệ thống đường ống dẫn nước sạch sông Đà đã 3 lần bị vỡ

Vỡ vì nền đất yếu không xử lý?

Sáng 21-11, đường ống  rộng 1,6m dẫn nước sạch từ sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội bị vỡ ở khu vực dân sinh số 19 trên đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai. Sự cố này đã làm hơn 70.000 hộ dân thiếu nước sạch. Toàn bộ quận Thanh Xuân, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì và Từ Liêm bị ảnh hưởng. Được biết, đoạn ống bị vỡ chạy qua khu vực trước đây là ao được san lấp nên có nền yếu, khi đào xuống, bên dưới  còn rất nhiều bùn.

Đây là lần thứ 3 hệ thống ống dẫn nước sạch sông Đà bị vỡ. Lần thứ nhất xảy ra vào tháng 2-2012, làm ảnh hưởng đến khoảng 40.000 hộ dân. Lần thứ 2 vào ngày 23-3-2013, khiến hơn 70.000 nghìn hộ dân thuộc các quận, huyện Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì và Từ Liêm bị ảnh hưởng. Theo lý giải từ phía Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch, nguyên nhân ban đầu có thể do nền đất yếu, cộng với việc gần đường cao tốc nên đường ống bị rung và dịch chuyển gây nên sự cố.  

Xung quanh việc vỡ đường ống nước liên tục xảy ra, ông Nguyễn Sỹ Trung, Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện KH&CN GTVT) cho biết, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc có chiều dài 29km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau. Đặc biệt, có 5,4km chạy qua nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 

5-30m, dài 20-200m. “Khi làm đường Láng - Hòa Lạc, chúng tôi đã phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian bằng công nghệ cọc cát, giếng cát, thay đất… khi nền ổn định mới xây dựng công trình. Đến bây giờ có thể khẳng định, tuyến đường rất ổn định”.

Trong khi đó, đường ống nước sông Đà được đặt cách vai đường Láng - Hòa Lạc 12,5m, độ sâu từ 4-6m so với mặt đất tự nhiên, không nằm trong phạm vi xử lý nền đường. Theo kỹ sư Nguyễn Sỹ Trung, nguyên nhân gây vỡ đường ống nước sông Đà là vì đường ống này được đặt trực tiếp trên nền đất yếu, không được xử lý. Bên cạnh đó, đường ống làm bằng vật liệu Composite, không chịu được lực tác động trực tiếp là lực uốn và biến dạng. Bởi vậy khi nền lún sụt không đồng đều dẫn tới tuyến ống bị vỡ.

Đã có cảnh báo nhưng vẫn làm

Xung quanh ý kiến từ phía Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch về nguyên nhân gây vỡ đường ống nước, ông Nguyễn Sỹ Trung khẳng định, không thể nói rằng do nền đường cao tốc Đại lộ Thăng Long sụt lún đã  ảnh hưởng tới đường ống. Hơn nữa, độ rung từ đường cao tốc do ô tô đi lại gây ảnh hưởng đến đường ống về mặt định lượng gần như bằng không. “Khi hai dự án cùng thực hiện (đường Láng - Hòa Lạc và đường ống nước sạch sông Đà - PV), không dưới 5 lần tại các cuộc họp tôi đã cảnh báo khá gay gắt chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu. Tuy nhiên, họ không nghe và vẫn tiến hành đặt đường ống mà không xử lý nền yếu” - ông Nguyễn Sỹ Trung cho biết. 

Theo kỹ sư Nguyễn Sỹ Trung, sự việc xem như đã rồi, giờ tìm được nguyên nhân thì nên khắc phục theo hướng “sống chung với lũ”. Theo đó, hoặc đơn vị quản lý, khai thác có thể xây dựng một bể chứa dự phòng phía gần nội đô, khi có sự cố xảy ra sẽ lấy nước từ đây bơm về; hoặc làm một đường ống nước thứ 2 có quy mô tương tự. Công ty CP Nước sạch Vinaconex (đơn vị quản lý đường ống nước) cũng đã tính đến hai phương án này nhưng đều đang gặp khó khăn về kinh phí.

Liên tiếp các sự cố xảy ra khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về tính ổn định của đường ống dẫn nước sạch sông Đà, cũng như chất lượng đường ống. Với nền đất yếu không được xử lý, ai dám khẳng định sẽ không còn xảy ra sự cố? Mặc dù, đơn vị quản lý, khai thác đường nước đã có sự phản ứng nhanh hơn, thời gian khắc phục sự cố được rút ngắn qua các lần nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.