Đường ống nước sông Đà đã hoạt động trở lại bình thường

ANTĐ -Sau 12 giờ khẩn trương sửa chữa, khắc phục, cho đến 20h ngày 15/1/2015, tuyến ống cấp nước Sông Đà đã cấp nước trở lại cho khách hàng và người dân một cách bình thường.

Theo thông tin từ Công ty CP nước sạch Vinaconex – Viwasupco: vào hồi 08h15, ngày 15/01/2015, trong quá trình tuần tra tuyến ống, Công ty đã phát hiện một điểm xung yếu có rò rỉ trên tuyến ống tại Km 21+367 – Đại lộ Thăng Long. Nhằm thực hiện chương trình cấp nước an toàn trong dịp Tết Âm lịch 2015 và tránh sự cố lớn trên tuyến ống, Công ty đã quyết định chủ động ngừng cấp nước để gia cố, sửa chữa nâng cao độ an toàn cho tuyến ống. Về việc này, Công ty đã có thông tin, báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Cục Giám định – Bộ Xây dựng; Cơ quan cảnh sát điều tra C46, các cơ quan chức năng và các khách hàng có liên quan đồng thời công bố công khai trên website của Vinaconex. Nhờ sự chủ động, chuẩn bị sẵn sàng nhân vật lực ứng trực theo quy trình đã được phê duyệt, sau 12 giờ khẩn trương sửa chữa, khắc phục, cho đến 20 h cùng ngày (15/01/2015) công việc đã hoàn tất và Công ty đã cấp nước trở lại cho khách hàng và người dân một cách bình thường.

Đường ống nước sông Đà lại bị vỡ vào sáng nay 15-1

Cho đến nay, Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã và đang cung cấp nước sạch liên tục với lượng nước tiêu thụ trung bình khoảng 227.000 m3/ngđ (Sản lượng nước cấp ngày càng tăng: Năm 2013 sản lượng nước trung bình đạt 218.427 m3/ngđ, 11 tháng năm 2014 đạt 227.013 m3/ngđ tăng 104%), chiếm khoảng 30% tổng lượng nước sạch cung cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội, mang lại nhiều lợi ích an sinh, góp phần ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở phía Tây Nam Hà Nội đặc biệt những vùng chưa có nước và thiếu nước sạch sinh hoạt như huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Trì; thị xã Sơn Tây, Xuân Mai và Quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, một phần quận Đống Đa, Hà Đông. Qua kết quả phân tích trên cho thấy chất lượng nước sạch đều đảm bảo chất lượng nước thô cũng như nước sạch theo QCVN 01: 2009/BYT của Bộ Y tế về chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt. Người dân Thành phố Hà Nội có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng nguồn nước Sông Đà.

Với mục đính duy trì cấp nước ổn định của tuyến ống hiện tại và đáp ứng nhu cầu cung cấp ổn định nước sinh hoạt cho nhân dân Thủ đô và vùng lân cận, theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nâng công suất của hệ thống lên 600.000m3/ngày đêm, trong năm 2015, Vinaconex và Chủ đầu tư Viwasupco đã và đang tập trung triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư bao gồm về cơ bản hoàn tất các thủ tục đầu tư; thu xếp nguồn vốn, công tác khảo sát, thiết kế, bản vẽ thi công, chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế lựa chọn các đơn vị đơn vị cung cấp vật liệu và phụ kiện đồng bộ, lên kế hoạch triển khai các mũi thi công cho Phân kỳ 1 Giai đoạn 2 của Dự án (triển khai xây dựng 21 km tuyến ống truyền tải chính (đường kính 1800mm) từ Cổng viện phim về đến cầu chui dân sinh km 9+656 thuộc Phân kỳ 1 của Dự án giai đoạn 2). Chủ đầu tư đang nỗ lực tối đa phấn đấu động thổ khởi công dự án trước Tết âm lịch, dự kiến sẽ triển khai đồng loạt toàn tuyến với 6 – 8 mũi thi công để sau 12 tháng hoàn thành phân kỳ 1 trong năm 2015 để bổ sung thêm khoảng 40 nghìn m3 nước sạch/ngày đêm về trung tâm thành phố, đáp ứng nhu cầu bức xúc về thiếu nước và đảm bảo an ninh cấp nước cho Hà Nội. Các hạng mục tuyến ống còn và công trình sẽ tiếp tục được đầu tư từ 2016 đến 2019 theo đúng tiến độ trong quy hoạch cấp nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về vật liệu sử dụng trong hệ thống truyền tải, từ kết quả phân tích 4 loại vật liệu (ống nhựa, ống gang dẻo, ống thép hàn xoắn, ống bê tông lòng thép dự ứng lực), Chủ đầu tư đã chọn lựa phương án ống gang dẻo, đây là vật liệu truyền thống có nhiều tính năng kỹ thuật ưu việt, đã được sử dụng trong nhiều  dự án cấp nước của Việt Nam; có thời gian thi công ngắn, giúp cho dự án sớm được đưa  vào khai thác để tăng sản lượng nước cấp về Thành phố và hỗ trợ nâng cao độ an toàn cho tuyến ống số 1. Tổng mức đầu tư cho hạng mục tuyến ống nêu trên là khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 15% (khoảng 180 tỷ đồng), vốn vay 85% (khoảng 1020 tỷ) (Dự án không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước). Cho đến nay đã có Ngân hàng cam kết cho Chủ đầu tư vay 85% vốn để thực hiện dự án với thời gian cho vay dự kiến là 18 năm, thời gian ân hạn bằng thời gian thi công dự án.