Đường dây làm giấy phép lái xe giả thu lợi bất chính 20 tỷ đồng bị đánh sập như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Rao bán các loại giấy phép lái xe giả qua hàng chục hội nhóm trên mạng xã hội, khi có khách đặt hàng, đối tượng sản xuất và gửi qua đường bưu điện, nhận thanh toán qua app tự tạo để tránh lộ diện.

Quy mô khép kín với hàng chục đối tượng chia thành nhiều nhóm khác nhau, với từng chức năng nhiệm vụ riêng biệt như nhóm tạo phôi, nhóm chạy quảng cáo, nhóm chốt đơn, nhóm sản xuất…

Từ những thông tin trên các trang mạng xã hội

Như ANTĐ đã đưa tin, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội và các phòng nghiệp vụ CATP đã phối hợp phát hiện, truy xét và triệt xóa thành công đường dây làm giả giấy tờ là giấy phép lái xe, hồ sơ giấy phép lái xe quy mô lớn, thu giữ hàng nghìn phôi bằng các loại...

Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội ghi lời khai đối tượng Phạm Văn Vũ

Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội ghi lời khai đối tượng Phạm Văn Vũ

Trước đó, qua công tác trinh sát, nắm tình hình qua mạng xã hội, lực lượng Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS - CATP phát hiện một số trang Facebook, hội nhóm có tình trạng rao bán giấy phép lái xe máy, ôtô các loại... Đáng chú ý, đã xuất hiện một đường dây sản xuất, mua bán các loại giấy phép lái xe giả quy mô rất lớn với nhiều nhóm khác nhau.

Sau quá trình trinh sát, truy xét làm rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CATP; ngày 29-3, Phòng CSHS phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của CATP đồng loạt triển khai 12 tổ công tác tại TP Hà Nội, TP HCM và tỉnh Nam Định, tiến hành bắt giữ, khám xét tại 12 địa điểm liên quan đến đường dây làm giả bằng lái xe nói trên.

Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội ghi lời khai đối tượng Phạm Văn Phúc

Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội ghi lời khai đối tượng Phạm Văn Phúc

Tính đến ngày 31-3, Cơ quan CSĐT - CATP đã triệu tập, đưa về trụ sở tổng số 44 đối tượng có liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ bằng lái xe máy, ôtô và hồ sơ kèm theo.

Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã xác định có 5 ổ nhóm đối tượng làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Ban đầu, Cơ quan Công an đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ đối với 31 đối tượng về hành vi Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự.

Đường dây làm giả các loại giấy phép lái xe có quy mô này hoạt động qua các trang mạng xã hội, chia thành nhiều nhóm nhỏ và ước tính đã hoạt động hơn 1 năm qua, thu lợi bất chính khoảng 20 tỷ đồng.

Một phần tang vật vụ án

Một phần tang vật vụ án

Cơ quan điều tra xác định nhóm đối tượng cầm đầu gồm Phạm Văn Vũ (SN 1997); Phạm Văn Sỹ (SN 1991); Lưu Công Hữu (SN 2000) Phạm Văn Phong (SN 1996); Đỗ Văn Phúc (SN 1998); Lưu Công Chí (SN 1993) cùng trú tại xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; Nguyễn Văn Trình (SN 1991) trú tại xã Quất Lâm, huyện Giao Thủy, Nam Định.

Không học, không thi cũng có 'bằng'

Theo Thượng tá Cao Văn Thái, Phó trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội, các đối tượng đăng quảng cáo việc làm bằng lái xe trên mạng Internet và qua mạng xã hội Zalo, Facebook, trong đó có cả những Facebook như “Trung tâm tiếp nhận hồ sơ GPLX”, “Trung tâm GPLX Việt Thanh”, “Dịch vụ làm BLX toàn quốc”, “Trung tâm làm bằng lái toàn quốc”, “Bằng lái uy tín toàn quốc”...

Để che dấu việc làm bằng giả, các đối tượng thường “quảng cáo” với khách hàng muốn làm bằng “có chỗ làm chui”, khách hàng sẽ không phải đi học, đi thi. Nếu khách hàng đồng ý làm thì từ 5 đến 7 ngày, sẽ có bằng (gồm bằng lái xe và bộ hồ sơ).

Sau khi “chốt đơn”, các đối tượng yêu cầu "khách hàng" cung cấp ảnh chứng minh thư, ảnh 3x4, số điện thoại, địa chỉ nhận hàng. Giá bằng lái xe máy từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng; giá bằng lái xe ôtô từ 2 - 6 triệu đồng tùy theo hạng bằng lái xe: A1, A2, B1, B2…

Công an Hà Nội đã thu giữ hàng chục nghìn phôi bằng đang chờ được in ấn tung ra thị trường

Công an Hà Nội đã thu giữ hàng chục nghìn phôi bằng đang chờ được in ấn tung ra thị trường

Tại cơ quan Công an, Phạm Văn Vũ khai nhận để làm được bằng lái xe giả, các đối tượng đã tìm trên mạng Internet và mua được ổ cứng bên trong có chứa các file dữ liệu để in giấy tờ, bằng lái xe giả, con dấu... của tất cả các tỉnh, thành. Sau đó, mua máy tính, mua loại máy in màu, máy in thẻ nhựa, máy dập, cắt, máy ép nhiệt và mua thẻ nhựa cứng để in “phôi” bằng lái xe giả.

Sau khi in xong bằng lái xe và hồ sơ giả, các đối tượng phân nhóm đóng vào bì thư và chuyển phát nhanh qua đường bưu điện, hoặc các công ty chuyển phát hàng hóa. Để nhận tiền của khách, các đối tượng lên mạng Internet để tìm mua tài khoản ngân hàng mang tên người khác (tài khoản giả) để sử dụng. Đồng thời, tìm mua ảnh chứng minh thư của người khác để tạo một “app giả”, sử dụng nhận tiền từ bưu cục sau khi khách hàng trả tiền.

Khi chuyển hồ sơ và bằng giả, các đối tượng thuê “xe ôm” mang hàng đến bưu cục để nhân viên bưu cục lên đơn hàng và chuyển cho khách. Sau khi khách hàng kiểm tra hàng và trả tiền cho nhân viên bưu tá, thì bưu cục tự sẽ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng vào app giả mà Vũ đã tạo trước đó.

Để phục vụ việc in bằng lái xe giả, Vũ thuê riêng các căn hộ ở chung cư hạng sang, có tính bảo mật cao để để đặt máy in và thường xuyên thay đổi địa điểm, nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết, các đối tượng sản xuất và tiêu thụ các loại giấy phép lái xe giả chỉ biết đến lợi nhuận thu được, nhưng không tính đến hệ lụy của việc sử dụng bằng lái xe giả. Nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng giấy phép lái xe giả thường là những người không muốn học, sát hạch những vẫn muốn có giấy phép lái xe để sử dụng. Từ đó dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và người gây ra có không ít nằm trong số sử dụng giấy phép lái xe giả mua trôi nổi trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, việc sản xuất và tiêu thụ giấy phép lái xe giả còn gây ảnh hưởng rất lớn đến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, vi phạm pháp luật, làm mất đi tính thượng tôn pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, Phòng CSHS đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của đường dây tội phạm này, để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội khuyến cáo mọi người dân không tìm lên các trang mạng xã hội để 'mua' giấy phép lái xe và các loại giấy tờ giả khác để sử dụng. Như vậy là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm.