Dự án xây dựng cải tạo đường Lạc Long Quân:
Đường cao gần bằng mái nhà
(ANTĐ) - Nhiều hộ dân nằm trên tuyến đường Lạc Long Quân rất bức xúc trước tình trạng đường tôn cao vô tình đưa nhiều ngôi nhà hai bên đường “chui” xuống thấp hơn so với mặt đường khoảng 0,6 đến 1,4m.
Thiếu thông tin...
“Khi làm thủ tục xin phép xây dựng tôi được cung cấp đầy đủ các tài liệu, số liệu liên quan đến dự án nhưng những văn bản này không có một thông tin nào về cốt nền. Giấy phép xây dựng được cấp cũng không hề đề cập đến cốt nền nhà được làm. Trước đây, nhà tôi cao hơn mặt đường 30-40cm, giờ thì thấp hơn mặt đường tới 1,4m. Không biết phải sửa thế nào đây?” - ông Đặng Công Trung, ở số 3/565 đường Lạc Long Quân bức xúc.
Cùng chung tâm trạng với ông Trung, ông Trịnh Ngọc Giống, ở số 17/565 đường Lạc Long Quân lắc đầu thở dài: “Tôi không hiểu thành phố phê duyệt kiến trúc kiểu gì mà một tuyến đường có tới 5, 6 đoạn lượn lên rồi lại lượn xuống. Đã vậy, đơn vị thi công còn làm đường đè lên hệ thống thoát nước của các hộ dân, chỉ một trận mưa to là nước ngập vào nhà không biết thoát đi đâu.
Nhà hay hầm...! |
Nhiều người đã phải góp tiền để tự tôn cao đường ống thoát nước chứ chờ thì chẳng biết đến bao giờ…?!”. Để chứng minh cho điều này, ông Giống dẫn chúng tôi ra đoạn vỉa hè nham nhở ngay trước nhà chép miệng: “Chỉ có một đoạn vỉa hè vài mét vuông mà từ năm ngoái đến bây giờ vẫn không thấy ai đến hoàn thiện nốt. Các đoạn dốc vào khu dân cư cũng thuộc các hạng mục được xây dựng nhưng đơn vị thi công vẫn để lởm chởm đất đá ngày nào cũng có người ngã”.
Biết kêu ai?
Có mặt trên tuyến đường Lạc Long Quân bắt đầu từ đoạn Âu Cơ, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều ngôi nhà trong tình trạng thấp hơn mặt đường từ 0,6-1,4m. Thậm chí, nhiều nhà còn không nhìn thấy nóc, rất khó khăn, tối tăm và ngột ngạt. Các hộ dân cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, họ đã không đồng tình với thiết kế rất “oái oăm” của tuyến đường và gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng không có một cơ quan nào trả lời và lắng nghe nguyện vọng của dân.
Đường Lạc Long Quân có tổng chiều dài 4km được chia thành 2 tuyến cải tạo. Tuyến chính từ ngã ba Lạc Long Quân - Âu Cơ kéo đến đoạn rẽ vào làng Hồ Khẩu (chiều dài 3,38km, mặt cắt ngang đường từ 24,5-30m, lòng đường rộng 15m, hè hai bên đường mỗi bên rộng 5-5,7m). Tuyến nhánh của dự án dài 620,17m (điểm đầu rẽ vào làng Hồ Khẩu và điểm cuối là nút giao thông đường Bưởi) có mặt cắt ngang đường rộng 15m, hè hai bên mỗi bên rộng 5m. Tuyến đường đi qua địa bàn các phường Phú Thượng, Nhật Tân, Xuân La, Bưởi (quận Tây Hồ). Dự án được triển khai năm 2005 với tổng mức đầu tư 186,5 tỉ đồng |
Hơn nữa, sở dĩ nhiều gia đình khóc dở, mếu dở vì tình trạng “nhà lùn” vì theo họ không được cơ quan chức năng nào thông báo về cốt mặt đường khi xây nhà. Bây giờ, muốn nhà cao bằng mặt đường chỉ còn cách phá đi xây lại toàn bộ. Theo lãnh đạo của Ban Quản lý (BQL) dự án Giao thông - Đô thị Hà Nội, hiện những đoạn đường có ngõ và hình thành các đoạn dốc BQL đã cho đơn vị thi công đổ đất vuốt nối tạm để người dân lên xuống thuận tiện trong thời gian chờ hoàn chỉnh.
Còn vấn đề nền nhà thấp hơn so với mặt đường là do các hộ dân xây dựng trước khi có quy hoạch của thành phố, cao độ tự phát, mỗi người làm một kiểu nên chuyện khập khễnh này là điều dễ hiểu. Do đó, họ phải tự khắc phục vì Nhà nước không có kinh phí để xử lý vấn đề này. Hiện tại, BQL cũng đã có thông báo về cao độ của tuyến đường cho người dân để nếu xây dựng người dân sẽ biết để điều chỉnh cho hợp lý. Song, xem chừng thông báo này đến quá muộn!?
Có thể thấy, đây không phải là lần đầu tiên người dân phải gánh chịu hậu quả từ công trình công cộng do không được các cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến quy hoạch. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến quy hoạch đô thị của chúng ta hiện nay liên tục trong tình trạng chắp vá, không theo chuẩn. Nếu các cơ quan chức năng không có giải pháp tích cực và quy hoạch tổng thể thì còn nhiều những con đường của Hà Nội sẽ còn rơi vào cảnh tương tự.
Ngọc Bảo