Dùng súng đe dọa giết người có thể phải ngồi tù tới 7 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, cơ quan tiến hành tố tụng TP. Bắc Ninh đã phê chuẩn lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp của đối với Nguyễn Văn Sướng, SN1968 ở phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh về hành vi “đe dọa giết người” theo Điều 133 BLHS 2015.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh, clip một người đàn ông mặc áo trắng đang cầm khẩu súng chĩa vào một thanh niên tại đoạn Cầu Ngà, thành phố Bắc Ninh gây hoang mang trong dư luận.

Ngay sau đó, CATP Bắc Ninh đã khẩn trương xác minh, làm rõ người đàn ông cầm súng đe dọa trong clip là Nguyễn Văn Sướng, 52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hàm Long.

Tại nhà riêng của Nguyễn Văn Sướng, lực lượng công an thu giữ 1 khẩu súng nhãn hiệu RC 88, số hiệu 17470285G; 2 viên đạn cao su và 1 viên đạn hơi cay. Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Sướng khai nhận đã sử dụng khẩu súng trên do mâu thuẫn với tài xế xe tải trong khi tham gia giao thông. Hiện vụ việc đang cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.

Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, hành vi trên có dấu hiệu cấu thành Tội đe dọa giết người, Điều 133 BLHS 2015 quy định, người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Đối với 2 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Đối với người dưới 16 tuổi; Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, tội phạm này xâm phạm đến quyền được sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Người bị coi phạm tội này là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau qua điện thoại, thư từ…hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa như đi tìm công cụ, phương tiện.

Việc đe dọa được hiểu phải gây ra tâm lý bất an, lo sợ cho người bị đe dọa, chứ không phải là dọa vu vơ hoặc hăm dọa không hướng tới đối tượng cụ thể. Như vậy, hành vi đe doạ giết người chỉ cấu thành tội đe doạ giết người khi hành vi đó đã làm cho người bị đe doạ thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện. Hành vi đe dọa sẽ không cấu thành tội này khi hành vi đó cùng với những mục đích nhất định cấu thành tội khác.

Để đánh giá người bị đe dọa có phải ở trong tình trạng tâm lý như vậy hay không cần phải dựa vào nội dung và hình thức đe dọa; thời gian, địa điểm, hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra; tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa; thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa…Người phạm tội thực hiện hành vi đe dọa với lỗi cố ý.

Ngoài ra, cơ quan chức năng xác định khẩu súng mà người đàn ông cầm trên tay khi đe dọa người khác là vũ khí hay công cụ hỗ trợ, từ đó áp dụng chế tài xử lý cho phù hợp với quy định của pháp luật - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.