Đứng lên từ chính nơi vấp ngã

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Họ là những người đã từng vấp ngã trong quá khứ, vướng vào lao lý và phải trả giá bằng những năm tháng thanh xuân sau cánh cửa song sắt nhà giam. Bước ra từ lầm lỡ, thay vì mặc cảm, sống thu mình, họ đã dũng cảm đối mặt, vượt lên chính mình để làm ăn chính đáng, trở thành những điển hình tiên tiến trong cuộc sống.

1. Giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Đặng Văn Toàn (26 tuổi), lập bập bước ra từ cánh cổng Trại giam Xuân Hà (Cục C10 – Bộ Công an), đóng chân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sau 6 năm thụ án về tội danh “Gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích”. Câu chuyện xảy ra trước đó thực sự là một cú sốc đối với bản thân Toàn và gia đình. Khi ấy, đang là chàng sinh viên năm thứ 2 của 1 trường Đại học tại TP. Hồ Chí Minh, Toàn về nghỉ hè tại quê nhà ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong một lần xảy ra xích mích cùng nhóm bạn, do không kiềm chế được, Toàn đã chủ mưu trong một vụ đánh nhau giữa thanh niên hai làng.

Công tác dạy nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phạm nhân

Công tác dạy nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phạm nhân

Một năm sau ngày mãn hạn tù, cùng với ý chí vươn lên của cá nhân bằng chính nghề mà mình đã học được trong thời gian thụ án trong trại giam, đó là quyết tâm làm lại cuộc đời bằng nghề mộc, Đặng Văn Toàn may mắn được cô gái làng yêu thương, bất chấp quá khứ để nên duyên vợ chồng. Có thêm động lực, Toàn mạnh dạn vay mượn, đầu tư vốn để mở xưởng mộc. Sản phẩm làm ra được khách hàng đón nhận là hạnh phúc lớn nhất mà chàng trai này may mắn có được. Cũng bởi vậy, dù chỉ mới hơn 3 năm kể từ ngày chính thức lập nghiệp bằng con số không tròn trĩnh, đến nay không chỉ có trong tay cơ ngơi tiền tỉ, Đặng Văn Toàn còn có một mái ấm hạnh phúc. Không những thế, Toàn còn đón nhận, tạo công ăn việc làm cho những người đã từng vấp ngã như mình vào làm việc. Hiện nay, xưởng mộc của Toàn đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động, với thu nhập mỗi người từ 5 đến 14 triệu đồng một tháng. Toàn trở thành điển hình tiên tiến tại địa phương, được chính quyền và nhân dân ghi nhận.

2. Về xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, hỏi thăm “vua vịt” Trần Đình Trường (43 tuổi), không ai là không biết. Sở hữu trang trại lên đến hơn 5.000m2, với khoảng một vạn con vịt giống với rất nhiều các loại cá, riêng tiền bán trứng, mỗi năm cho thu nhập hơn một tỷ đồng, anh Trường cũng đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động trong xã, với mức lương ổn định mỗi tháng 6-11 triệu đồng. Ít ai biết rằng, để có được ngày hôm nay, người đàn ông này cũng đã trải qua những thời khắc mặc cảm sau vấp ngã, nhưng rồi ý chí và bản lĩnh đã giúp anh đứng lên, vượt qua số phận để trả nghĩa cuộc đời.

Trường kể, đó là vào một ngày cuối năm 2005, khi ấy anh mới 27 tuổi, vừa cưới vợ là cô giáo làng được đúng 3 tháng. Trong một cuộc nhậu với bạn bè, hai bên xảy ra xô xát dẫn đến ẩu đả khiến một số người phải nhập viện. Trường cùng 9 thanh niên khác bị bắt tạm giam, và bản án 2 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng đã khiến gia đình cũng như bản thân anh bị sốc nặng.

Nhưng rồi, thời gian thụ án trong trại giam cũng như những ngày đầu mới tái hòa nhập cộng đồng, chính người vợ trẻ đã sát cánh, động viên để anh cải tạo tốt, trở về nhà trước thời hạn 4 tháng và đứng lên làm lại cuộc đời. Sau hơn 10 năm nỗ lực, đến nay Trường đã xứng đáng với biệt danh “vua vịt” mà người dân và bạn bè dành tặng. Trại vịt của anh mở rộng quy mô gần 5.000 con, hằng năm cho tổng doanh thu xấp xỉ 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào vụ Tết hằng năm, anh còn thu hoạch cá chép, cá mè, cá trôi… với sản lượng 5 - 6 tạ, thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng. “Thời gian vướng lao lý và cả sau khi được tự do, tôi đã trải qua những thời khắc mặc cảm lỗi lầm, từng có ý định bỏ quê vào Sài Gòn để làm lại. Nhưng rồi, sự động viên kịp thời của mẹ, của vợ, cộng với kiến thức học hỏi được trong quá trình cải tạo, tôi đã tự tin để đứng dậy trên chính quê hương mình”, anh Trường tâm sự. Người đàn ông này cũng vui vẻ cho biết thêm, hiện nay anh đã làm xong thủ tục thuê hơn 6.000m2 đất để mở rộng quy mô trang trại, mới mục đích chính là “để tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay” như lời Trường chia sẻ.

3. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có hàng trăm mô hình, điển hình tiên tiến là những người lầm lỡ, đã nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng và trở thành những người làm ăn kinh tế giỏi, doanh nhân thành đạt.

Để có được những “quả ngọt” đó là nhờ trong quá trình cải tạo, các đơn vị trại giam, trại tạm giam đóng trên địa bàn đã chú trọng công tác tư tưởng, kết hợp truyền và dạy nghề cho phạm nhân. “Có đến 80% người lầm lỡ sau khi trở về làm lại cuộc đời, gạt bỏ quá khứ đứng lên để trở thành ông chủ, giám đốc doanh nghiệp đều bằng chính những nghề mà mình đã học được trong quá trình thụ án ở trại giam”, đó là chia sẻ của Ban Giám thị Trại giam Xuân Hà. Được biết hiện nay, cùng với các chính sách khác, công tác dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân được Ban giám thị trại giam rất chú trọng. Tùy thuộc tình hình sức khỏe, độ tuổi và đặc thù bản quán để đào tạo các ngành nghề cho phạm nhân, với mục tiêu khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, có thể đứng lên bằng chính nghề mình đã học được.

Tín hiệu lạc quan là mấy năm trở lại đây, tỉ lệ tái phạm sau khi ra trại của số đối tượng tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn Hà Tĩnh rất nhỏ. Điều này cho thấy, sự định hướng đúng đắn về tư tưởng, sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong quá trình cải tạo và sự chung tay, nâng đỡ kịp thời của lực lượng chức năng, các tổ chức, đoàn thể và người thân trong gia đình chính là liều thuốc hữu hiệu để giúp những người lầm lỡ ở Hà Tĩnh nói riêng, trên khắp mọi miền đất nước nói chung sớm thắp sáng được ước mơ, tìm lại mùa xuân cuộc đời cho chính mình.