Gia tăng tai nạn lao động cuối năm:

Đừng làm thêm để lấy tiền… đi viện

ANTĐ - Áp lực hoàn thành công việc, chạy đua thời gian để có thêm thu nhập hay cường độ làm việc quá căng thẳng chính là những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động, đặc biệt là vào dịp cuối năm...

Đừng làm thêm để lấy tiền… đi viện ảnh 1Các công trình xây dựng luôn thường trực nguy cơ TNLĐ
(Ảnh minh họa)

Lượng người nhập viện tăng vọt

Theo thống kê từ Bệnh viện Việt Đức, trong nửa cuối năm 2014, mỗi tháng bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng hơn 100 trường hợp bệnh nhân nhập viện do tai nạn lao động (TNLĐ) nhưng riêng tháng 12, con số này tăng vọt lên tới 180 trường hợp. Hầu hết số bệnh nhân này đều nằm trong nhóm lao động có tay nghề thấp, chủ yếu là công nhân các tỉnh hoặc lao động thời vụ làm việc trong lĩnh vực xây dựng.

Cầm tập hóa đơn thanh toán tiền viện phí trên tay, chị Trần Thanh Tâm (ở xã Tân Thành, Lương Sơn, Hòa Bình) mặt buồn rười rượi. Sau hơn nửa tháng điều trị, anh Lê Hoàng Mãn - chồng chị mới đến ngày xuất viện. Tuy chồng khỏi bệnh, nhưng ruột gan chị Tâm rối bời bởi đã cuối năm, đống nợ do chị vay mượn để chạy chữa cho chồng chưa biết lấy gì trả cho người ta trước Tết. 3 tháng trước, anh Mãn theo một người cùng thôn xuống Hà Nội làm nghề nhôm kính, mái tôn cho các công trình xây dựng.  Nào ngờ, tiền lương còn chưa kịp lĩnh thì tai nạn xảy ra. Trong một lần trèo lên “bắn” vít mái tôn, anh Mãn sơ ý rơi từ tầng 2 xuống đất. Cũng may do phía dưới là đống cát, cộng với vướng vào dây phơi nên anh thoát chết. Tuy nhiên cú ngã cũng khiến anh gãy 2 xương sườn và chấn thương đầu khá nặng. Số tiền được trả công chẳng đủ chi phí thuốc thang cho những ngày nằm viện.

Cũng giống tình cảnh như chị Tâm, nhưng bà Lê Thị Sáng, quê ở Đồng Lạc, Nam Sách, Hải Dương lúc này mừng hơn bao giờ hết. Lý do là bởi anh Nguyễn Đức Minh, con trai bà đã thoát khỏi cảnh phải ngồi xe lăn suốt đời vì chấn thương cột sống do ngã giàn giáo. Bà Sáng kể, để tranh thủ hoàn thành gấp rút các công trình xây dựng cuối năm, anh Minh chạy “sô” hoàn thiện ngoại thất theo yêu cầu của chủ thầu xây dựng. Càng giáp Tết thì chủ công trình càng giục, chủ thầu cũng cuống lên điều công nhân của mình chạy hết nhà nọ đến nhà kia.

Công việc gấp rút, áp lực bàn giao khiến những công nhân như anh Minh cũng không còn thời gian quan tâm tới an toàn lao động. Hậu quả là tấm ván anh đứng bị hẫng lúc nào không biết. Cú ngã khiến đốt sống L1 bị tổn thương nặng, may nhờ chuyển viện kịp thời và điều trị tích cực anh đã thoát nạn. Tuy thế, các bác sỹ vẫn lo ngại đến khả năng biến chứng lâu dài như rối loạn đại tiện hoặc tiểu tiện có thể dẫn tới nhiễm trùng tiết niệu hoặc suy thận. “Dù nhà chủ cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí thuốc men, nhưng tiền đi làm được bao lâu nay gia đình cũng dốc vào chữa trị cho em nó hết cả. Đúng là của thiên trả địa, lại còn mang bệnh tật vào người” - bà Sáng than thở.

Không thể lơ là

Chiều 21-1, trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Đức Chính - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Trong số các ca nhập viện vì TNLĐ thì thương tích ở khu vực đầu, cổ, mặt và tứ chi chiếm nhiều nhất. Trong đó chấn thương sọ não là một trong những nguyên nhân gây tàn tật và tử vong rất cao. Mới đây, Cục Quản lý môi trường y tế  đã có thống kê về các ca TNLĐ và nhận thấy hầu hết những bệnh nhân này đều không có kinh nghiệm hoặc chưa được tập huấn đào tạo về an toàn lao động. Ngoài ra cũng phải kể đến việc môi trường an toàn lao động của công nhân không được quan tâm. Chủ công trình hầu như thờ ơ với vấn đề này. Đa số công nhân là lao động thời vụ ngoại tỉnh, không có bảo hiểm y tế, do đó chi phí khám chữa bệnh khi xảy ra tai nạn sẽ là gánh nặng với gia đình bệnh nhân”.

Lý giải về con số bệnh nhân gia tăng vào dịp cuối năm, bác sỹ Chính cho rằng đây là điều không thể tránh khỏi. “Khối lượng công việc tăng lên đồng nghĩa với rủi ro cũng tăng. Vấn đề nằm ở ý thức phòng tránh tai nạn của người lao động và chủ sử dụng lao động ở mức độ nào. Nếu người lao động phải làm việc liên tục với cường độ cao trong nhiều giờ, cộng với áp lực bị thúc ép tiến độ hoặc tâm lý cố gắng kiếm thêm được nhiều tiền thì vấn đề an toàn sẽ bị lơ là, sao nhãng” - bác sỹ Chính nói.

Mặt khác, tại các công trình dù lớn hay nhỏ, công tác cấp cứu cho nạn nhân cũng rất yếu. Không có công trình nào có được nhân viên y tế hoặc trang bị phương tiện cấp cứu  khi sự cố xảy ra. Khi bị tai nạn, chỉ có các công nhân tự sơ cứu ban đầu cho nhau. Do đó người bị nạn đều không được sơ cứu đúng cách dẫn đến nguy cơ chấn thương trầm trọng thêm. Theo thống kê có tới 80% bệnh nhân không được cấp cứu đúng cách và 40% nạn nhân được đưa bằng xe máy, taxi tới bệnh viện. Thậm chí có người đã tử vong trên đường chỉ vì được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu theo cách phản khoa học.