Đừng để "tiền thầy bỏ túi"

ANTD.VN - Mới đây, trao đổi với báo chí về nghi vấn thất thu phí BOT tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nghi vấn thất thoát 500 triệu đồng mỗi ngày là không có cơ sở. 

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, sở dĩ vậy vì Tổng cục Đường bộ mới kiểm đếm phương tiện trong 10 ngày, số tiền thu mỗi ngày khác nhau có thể do phương tiện tại nhiều thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt dấu hỏi “chưa có cơ sở” nghĩa là như thế nào, có hay không việc gian lận và mong muốn Bộ Giao thông Vận tải sẽ điều tra ngọn ngành.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức cuộc thanh tra tổng phí thu được trên cao tốc này sau khi 1 trong liên danh 3 nhà đầu tư của tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cienco 1 - đã nghi ngờ số xe thực tế chạy trên tuyến này cao hơn báo cáo của Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và nhiều lần kiến nghị lắp camera theo dõi.

Qua kiểm tra, có thông tin mức doanh thu của tuyến cao tốc này đạt trung bình hơn 1,9 tỷ đồng/ngày, cao hơn khoảng 500 triệu đồng so với báo cáo của Công ty BOT, tức là trong thời gian 9 tháng đi vào hoạt động, số gian lận phí của Công ty BOT này có thể lên đến hơn 100 tỷ đồng.

Dù chưa đưa ra kết luận về vấn đề gian lận phí, nhưng Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ tiếp tục theo dõi đánh giá, kiểm soát việc thu phí, ngoài trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ thanh tra, kiểm tra toàn bộ các trạm thu phí trên quốc lộ 18, 20, Hà Nội - Bắc Giang.

Đây là các dự án có số thu thấp khiến nghi ngờ có gian lận. Nếu phát hiện gian lận, Bộ Giao thông Vận tải sẽ áp dụng 3 giải pháp: Yêu cầu nhà đầu tư hoàn lại số tiền sai lệch gấp 3 lần; đưa lực lượng thu phí của Nhà nước vào thay thế; dừng thu phí vĩnh viễn, cơ quan Nhà nước sẽ triển khai giải pháp khác để rõ ràng, minh bạch hơn.

Cùng với lời hứa đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết từ nay về sau, đầu tư dự án BOT phải để cho dân lựa chọn đi một trong hai tuyến, đường BOT không phải là độc đạo. Việc Quốc hội thông qua chương trình giám sát Quốc hội với các dự án BOT kể từ năm 2016 cũng sẽ tránh những sai sót trong thời gian tới. Với những thông tin trên, dư luận mong mỏi sẽ không còn những bức xúc liên quan đến việc thu phí BOT như thời gian qua.

Thực tế, việc đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là một hình thức đầu tư nhiều ưu việt trong việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, do mới và chưa có kinh nghiệm nhưng sốt sắng thực hiện, cộng với việc thiếu năng lực, thiếu trung thực của một số chủ đầu tư đã dẫn đến hàng loạt bất cập khiến người dân bức xúc.

Hy vọng với những bài học này, cộng với sự vào cuộc quyết liệt và minh bạch của Bộ Giao thông Vận tải, các dự án BOT sẽ trở về đúng ý nghĩa của nó là các bên cùng có lợi, chứ không để những chủ đầu tư ranh ma bớt xén tiền của cả người dân và Nhà nước để bỏ vào túi mình.