VĐV Việt Nam tham dự Đại hội thể thao mùa đông châu Á:

Đừng để như Schumacher!

ANTD.VN - Cách làm kiểu hời hợt theo kiểu cho có của thể thao Việt Nam vừa khiến người hâm mộ phải chứng kiến những sự cố “cười không được, khóc chẳng xong” tại Đại hội thể thao mùa đông châu Á 2017 vừa kết thúc ở Sapporo, Nhật Bản.

Nghe có vẻ lạ tai nhưng đội tuyển thể thao mùa Đông quốc gia vừa được thành lập cách đây chưa lâu, với thành phần là 6 VĐV để tham dự Á vận hội mùa Đông 2017 diễn ra tại thành phố Sapporo. Mặc dù, đã 8 lần tổ chức, nhưng đây mới là lần đầu tiên thể thao Việt Nam góp mặt. Nhiều người ngạc nhiên bởi Việt Nam là một đất nước nhiệt đới, nóng ẩm quanh năm, lấy đâu ra băng tuyết để các VĐV tập luyện.

Không những vậy, cả 6 VĐV này đều tham dự các môn liên quan đến trượt tuyết, gồm trượt tuyết băng đồng, trượt tuyết ván đơn và trượt tuyết ván đôi. Kỳ lạ hơn, để chuẩn bị cho giải đấu, họ đã phải nhẫn nại tới những cồn cát nóng bỏng ở Mũi Né, Bình Thuận để… luyện tập.

Và kết quả của đoàn thể thao Việt Nam tại Á vận hội mùa Đông 2017 đã phản ánh đúng cách đầu tư kiểu nửa vời theo kiểu cho có của lãnh đạo ngành thể thao. Trong 6 VĐV Việt Nam tranh tài ở Sapporo, duy nhất VĐV Trịnh Đình Thời hoàn thành phần thi mà không gặp sự cố nào. 5 VĐV còn lại trải qua những trục trặc mà không ai có thể nghĩ tới.

Chẳng hạn, VĐV Nguyễn Đức Mạnh thi môn trượt tuyết băng đồng 10km đã có khởi đầu trơn tru, nhưng ở chặng cuối, không hiểu sao anh đột ngột bị… bung giày và chỉ cán đích ở vị trí thứ 22. Hay như ở nội dụng trượt tuyết đổ dốc ván đơn, VĐV Nguyễn Thái Bình không hiểu vì lý do gì mà lao đi quá nhanh, bỏ qua cả cột mốc nên không được BTC tính điểm.

Đó là chưa kể việc khởi động không đúng khiến cho Phạm Tiến Đạt bị chấn thương vai, không thể thi đấu, hay Nguyễn Văn An liên tục ngã trên đường đua nên bị gạt ra khỏi bảng xếp hạng. Hầu hết những VĐV này đều có xuất thân từ những môn như lướt ván đường phố hay trượt patin. Việc chỉ tập trên cát rồi đi thi đấu đỉnh cao trên tuyết khiến họ gặp phải những sự cố là điều không có gì lạ. Hai môi trường hoàn toàn khác nhau ở địa hình, độ ẩm, nhiệt độ và ma sát. 

Ai cũng biết, trượt tuyết là một trong những môn thể thao được xếp vào hàng mạo hiểm. Nếu không biết cách xử lý trên đường trơn, tai nạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Có rất nhiều VĐV nổi tiếng trên thế giới đã gặp tai nạn khi đi trượt tuyết, dù họ đã được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết. Điển hình nhất chính là tay đua F1 nổi tiếng Michael Schumacher, người đang phải sống thực vật sau tai nạn trượt tuyết tại Meribel, Pháp hơn 3 năm trước.

Qua đó, có thể thể thấy những môn thể thao trên không phải chuyện đùa và thể thao Việt Nam có lẽ cần nhìn lại một cách nghiêm túc về việc sẽ tham gia những môn thể thao vốn không phải sở trường của chúng ta. Nếu có, hãy cho các VĐV một môi trường luyện tập và cọ xát đúng chuẩn, để hạn chế tối đa những sự cố có thể mang đến những nỗi đau không thể lường trước.