Đừng coi rẻ mạng sống

ANTĐ - Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 16 vừa được phát động vào chủ nhật vừa qua. Chị Nguyễn Thị Nhàn, nhân viên công ty điện lực Mê Linh cho rằng, cần có những hành động thực sự và mạnh mẽ hơn thế.

- Làm việc ở ngành điện lực - một trong 4 ngành nghề có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất, chị thấy tai nạn lao động hiện nay đang ở mức nào?

- Theo thông tin mà tôi được biết, năm 2013 số vụ tai nạn lao động, cháy nổ đã giảm xuống so với năm 2012. Tuy nhiên, không thể vì thế mà chúng ta có thể vội mừng hay an tâm. Thực tế năm vừa qua, cả nước vẫn xảy ra gần 6.700 vụ tai nạn lao động với hơn 6.800 nạn nhân, hàng nghìn người chết và chấn thương. Đó là một thực trạng đáng báo động. 

- Năm nào cũng có một Tuần lễ quốc gia về an toàn lao động nhưng hầu như năm nào số vụ tai nạn lao động cũng gia tăng. Đâu là nguyên nhân?

- Để đảm bảo an toàn lao động cần có sự phối hợp trách nhiệm của nhiều bên, nhất là phía sử dụng lao động và người lao động. Tôi thấy rất buồn khi biết 60% số vụ tai nạn lao động có nguyên nhân do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn hay không trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân viên. Với nhiều người lao động, để được nhận vào làm việc đã là điều đáng mừng nên khó trách khi họ không dám đề đạt đến quyền lợi được đảm bảo an toàn lao động. Và khi đó họ cũng phải chấp nhận rủi ro nếu sức khỏe, tính mạng của họ bị chủ sử dụng lao động thiếu quan tâm.

- Vậy cần có những hành động gì để người lao động được đảm bảo an toàn lao động tốt hơn?

- Tai nạn lao động xảy ra cả năm chứ không chỉ trong một tuần, thế nên cần có những hành động mạnh mẽ và lâu dài, thường xuyên. Quan trọng nhất là phải tập huấn nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng như người lao động về đảm bảo an toàn lao động. Phải tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để răn đe.