Đức: Trực thăng Tiger được trang bị tên lửa chống tăng PARS-3 LR

Trực thăng tấn công Tiger sẽ có thêm sức mạnh mới với tên lửa chống tăng PARS-3 LR.

Trực thăng tấn công Tiger do Liên doanh Eurocopter phát triển đã được tích hợp trang bị tên lửa chống tăng thế hệ 3 PARS-3 LR.
Trong lần bắn thử nghiệm mới đây vào ngày 20/09/12 tại Trung tâm công nghệ 91 phía Bắc thị trấn Meppen, Đức, tên lửa đã phá hủy thành công một mục tiêu đang di chuyển ẩn sau 2 bức tường.
PARS-3 LR là tên lửa chống tăng thế hệ 3 được phát triển bởi Liên doanh PARSYS giữa Diehl BGT Defence và MBDA Deutschland GmbH của Đức.
Ban đầu dự án phát triển PARS-3 LR có sự tham gia của Anh, Pháp và Đức nhưng lần lượt Anh rồi đến Pháp rút lui khỏi chương trình. Chỉ còn Đức tiếp tục theo đuổi dự án này.

Trực thăng tấn công Tiger sẽ được trang bị 2 bệ phóng tên lửa, mỗi bệ chứa 4 quả đạn chống tăng PARS-3 LR.

Trực thăng tấn công Tiger sẽ được trang bị 2 bệ phóng tên lửa,
mỗi bệ chứa 4 quả đạn chống tăng PARS-3 LR.

Năm 2006, Đức bắt đầu tiến hành sản xuất loạt loại tên lửa này. Quân đội Đức đã đặt mua 680 tên lửa loại này với chi phí lên tới 380 triệu euro. Số tên lửa này sẽ được giao trong năm 2012. 
PARS-3 LR là tên lửa chống tăng có điều khiển hoạt động theo nguyên lý “bắn-quên”. Tên lửa có thể tấn công các mục tiêu với cự ly 6.000m (tầm bắn tối đa đạt 7.000m), được thiết kế để tấn công các loại xe thiết giáp, xe tăng chiến đấu chủ lực. Ngoài ra, tên lửa cũng có thể tấn công trực thăng và các mục tiêu mặt đất khác.
PARS-3 LR được trang bị đầu dò hồng ngoại, có thể khóa mục tiêu trước khi tấn công. Tên lửa được trang bị đầu đạn liều đúp HEAT, có khả năng xuyên hơn 1.000mm sau giáp cảm ứng nổ ERA.
Phi công nhắm mục tiêu từ hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu gắn trên đỉnh rotor chính. Quá trình chỉ thị và nhắm mục tiêu chỉ mất vài giây, trực thăng có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.
Điểm đặc biệt của tên lửa chống tăng PARS-3 LR là nó có khả năng bắn loạt 4 quả chỉ trong 8 giây. Điều này mang lại khả năng hủy diệt mục tiêu rất cao. Hầu như không loại xe tăng chủ lực nào có thể sống sót với kiểu bắn loạt này.
Năm 2011, tên lửa chống tăng PARS-3 LR đã lọt vào danh sách mua sắm tên lửa chống tăng của Ấn Độ cho trực thăng tấn công hạng nhẹ HAL Dhruv và trực thăng tấn công KA-52 hoặc Mi-28N. Dù được đánh giá rất cao nhưng tên lửa PARS-3 LR bị chê là quá đắt.
Tòa kiểm toán Liên bang Đức than phiền, chính phủ đã phải chi hơn 500 triệu euro chỉ riêng cho Deutschland, đơn giá của tên lửa lên đến 55.000 euro/quả (71.000 USD), cao hơn cả tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire của Mỹ.