Đua với thời gian
(ANTĐ) - Chỉ còn chưa đầy 400 ngày nữa sẽ diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công tác chuẩn bị mọi mặt đang bước vào giai đoạn nước rút. Hầu hết các công trình trọng điểm đang chạy đua với thời gian cho kịp chào mừng ngày Đại lễ.
Lãnh đạo UBND TP, Thường trực HĐND TP đã liên tiếp có các hoạt động giám sát tình hình thực hiện các công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Điều đáng lo ngại là hầu hết các công trình như: Công viên Hòa Bình, dự án đường Lạc Long Quân, dự án nâng cấp, cải tạo đường 32, đường Láng - Hòa Lạc, đường Đội Cấn - Hồ Tây, đường vành đai III, dự án cải tạo hồ Bảy Mẫu... đều đang chậm tiến độ. Trong đó, đến thời điểm này, mới chỉ có 4/12 dự án hạ tầng trọng điểm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng (GPMB).
Rõ ràng, cản trở lớn nhất đối với các dự án giao thông trọng điểm phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là công tác GPMB. Thiếu mặt bằng “sạch”, nhiều dự án đang chấp nhận kiểu thi công “xôi đỗ”, được bàn giao mặt bằng đến đâu, làm đến đấy. Giới chuyên môn cho rằng, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ GPMB để những chủ đầu tư yếu về khả năng tài chính, quản lý không thể lấy đó để biện hộ cho sự chậm trễ trong việc thi công dự án.
Nhận diện rõ những hệ lụy từ việc chậm trễ GPMB, lãnh đạo Thành phố đã cam kết tăng tốc tối đa, để chậm nhất là tháng 12-2009, hoàn thành GPMB 100% các dự án, kịp có mặt bằng để thi công, về đích đúng hẹn. Thành phố cũng hứa hẹn sẽ có những phần thưởng vật chất xứng đáng cho những đơn vị hoàn thành trước tiến độ mà đảm bảo chất lượng và an toàn lao động.
Nhưng giả sử hoàn thành GPMB 100% vào tháng 12-2009, thì với quãng thời gian ngắn ngủi còn lại, liệu có thể hoàn thành công trình với chất lượng và mỹ thuật tốt nhất? Chẳng hạn, theo dự kiến, trước dịp 19-5-2010 sẽ cơ bản hoàn thành phần xây dựng dự án Bảo tàng Hà Nội, nhưng trong khoảng 4 tháng còn lại trước ngày Đại lễ, làm sao có thể hoàn thành việc trưng bày. Mà với một bảo tàng, phần xây dựng rất quan trọng, nhưng đó là phần “xác”, việc trưng bày, tức tạo dựng phần “hồn” còn khó hơn nhiều.
Những công trình vật thể đã vậy, những dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, liên quan đến lĩnh vực văn hóa, đời sống tinh thần cũng đang “ì ạch” không kém. Đến thời điểm này, dự án sản xuất phim truyện nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn đã được “khởi động” trở lại. Ngoài ra còn 4 dự án làm phim khác gồm: “Thái sư Trần Thủ Độ” (Phim truyền hình), “Long thành cầm giả ca” (Phim truyện nhựa), “Người con của Rồng” (Phim hoạt hình), “Chiếu dời đô” (Phim truyện nhựa) cũng đang rục rịch triển khai. Rồi dự án Khu lưu giữ vật phẩm “Gửi tới mai sau” cũng mới chỉ dừng ở giai đoạn phát động gửi mẫu vật phẩm.
Hiện tại, việc xây dựng Khu lưu giữ vật phẩm này ở đâu, kiến trúc ra sao, vật phẩm là gì, chất liệu gì... vẫn chưa thể xác định. Hoàn thành đúng hẹn đã khó, nhưng khó hơn là chất lượng các dự án văn hóa, phi vật thể này sẽ ra sao? Rồi còn chuyện văn hóa ứng xử, lối sống đô thị đã trở nên quá xô bồ. Liệu chỉ với những “chiến dịch tuyên truyền”, Hà Nội có thể lấy lại những nét hào hoa, thanh lịch đã và đang nhạt phai?
Tất cả đều đang ở giai đoạn nước rút, đang chạy đua cho kịp với thời gian. Nhưng tốt nhất là chủ động từ xa, vừa đảm bảo chất lượng, tiến độ, vừa tránh được những cuộc đua nước rút không cần thiết. Đó là chưa kể, có những thứ không thể chạy đua được, phải làm dần dần để hình thành thói quen văn hóa, văn minh.
Hà Phương