Đưa hàng rong vào quy củ
(ANTĐ) - Từ hôm nay, 1-7, trên toàn bộ 62 tuyến phố thuộc địa bàn 6 quận nội thành Hà Nội, các gánh hàng rong sẽ không còn được phép bán mua tùy tiện như trước. 56 tuyến phố cũng sẽ không còn được kinh doanh buôn bán và để xe đạp, xe máy trên hè phố, lòng đường.
Đây là một chủ trương đúng đắn, nhằm lập lại trật tự lòng, hè đường, tạo dựng mỹ quan, văn minh đô thị. Đây là những bước đi tích cực trong việc xây dựng và gìn giữ một Thủ đô sạch đẹp hướng tới 1.000 năm tuổi.
Còn nhớ, khi chủ trương quản lý hàng rong được đưa ra, dư luận xã hội cũng từng tốn khá nhiều giấy mực mổ xẻ, phân tích dưới các góc độ rất khác nhau. Bên cạnh những ý kiến đồng thuận cho rằng nhất thiết phải lập lại văn minh đô thị, cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về việc một bộ phận nhỏ dân nghèo mất đi kế sinh nhai. Có người còn trăn trở, lo lắng khi cho rằng hàng rong mất đi cũng như một “nét văn hóa kinh kỳ” bị mai một.
Có một thực tế khách quan không thể phủ nhận, đó là Hà Nội thời 28 vạn dân đầu thế kỷ 20 không thể so sánh với đô thị chật chội hơn 4 triệu người của thế kỷ 21. Không còn hình ảnh những gánh hàng hoa, hàng phở gánh mơ mộng của ngày xưa, hàng rong ngày nay hội tụ đủ những yếu tố không phù hợp với một đô thị hiện đại: cản trở giao thông, gây mất mỹ quan đô thị, lạc hậu trong thói quen sinh hoạt, tiêu dùng và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Ta bảo tồn những gì truyền thống, những nét đẹp, đồng thời phải mang lại được hiệu quả về kinh tế, xã hội và phải đáp ứng được thẩm mỹ. ở đây không có nghĩa những cái bảo thủ, lạc hậu chúng ta phải giữ lại.
Tôi đã chứng kiến buổi sáng, người bán hàng rong phải để quang gánh lên xe đạp, đến điểm bán rong mới hạ xuống, gửi xe và gánh đi bán. Hình ảnh đó chắc chắn chúng ta không nên bảo tồn”. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nói như vậy.
Chủ trương lập lại trật tự, kỷ cương đô thị mà bắt đầu từ việc cấm hàng rong, kinh doanh buôn bán, để xe đạp xe máy trên vỉa hè ở một số tuyến phố chỉ nhằm một mục tiêu là xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Chủ trương này đã được bàn bạc, lấy ý kiến rộng rãi và đã thống nhất rất cao ở nhiều cấp, nhiều ngành; trong lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP. Chắc chắn rằng, chủ trương này là hết sức đúng đắn, mang lại lợi ích tổng thể cho cộng đồng.
Không chỉ cấm hàng rong, mà còn cần phải loại bỏ cả những thói quen “đặt chữ tiện lên đầu” trong nếp sinh hoạt hằng ngày bấy lâu nay của đông đảo người dân.
Trước hết, những cán bộ, công chức Nhà nước phải đi đầu, làm gương trong việc không “tiện thể” dừng xe, đỗ xe bừa bãi để mua bán hàng rong. Mua bán tại những khu chợ được xây dựng theo quy hoạch, để xe đúng chỗ... nếu tạo lập được những thói quen mới văn minh trong sinh hoạt, tiêu dùng như vậy, hàng rong cũng sẽ không còn.
Vượt qua một thói quen, nhất là thói quen cố hữu không phải là việc đơn giản. Tuy nhiên, lợi ích chung của cộng đồng trong một sự đảm bảo văn minh đô thị phải được đặt cao hơn kế sinh nhai của một bộ phận nhỏ người dân.
Điều này luôn luôn đúng. Cấm hàng rong, cấm buôn bán, để xe đạp, xe máy trên vỉa hè ở một số tuyến phố kể từ ngày hôm nay, đó cũng chính là việc hy sinh quyền lợi nhỏ vì những lợi ích lớn.
Thanh Bình