Bỗng dưng tiền mất, sim…bay (1)

Đủ trò chiếm đoạt tiền

ANTĐ - Khi điện thoại di động dần trở nên phổ biến trong xã hội thì tình trạng không ít chủ thuê bao bỗng dưng mất tiền trong tài khoản diễn ra ngày càng nhiều bởi các chiêu lừa đảo tinh vi, khó lường.

Đủ trò chiếm đoạt tiền  ảnh 1


Mất tiền oan vì… “trúng thưởng” 

“Đang sử dụng điện thoại bình thường thì một buổi sáng, khi ngủ dậy tôi nhận được một cuộc gọi từ số lạ với nội dung mọi cuộc gọi từ máy của tôi sẽ bị chặn nếu tôi không nạp 500.000 đồng vào tài khoản. Trong lúc chưa hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao thì điện thoại của tôi đã bị vô hiệu hóa, không thể liên lạc được. Do đó, tôi đi mua thẻ và nạp 300.000 đồng vào máy. Sau khi nạp tiền, tôi lại nhận được yêu cầu phải đọc 6 cuộc gọi gần nhất để khôi phục liên lạc song tình hình vẫn không có chuyển biến gì. Tiếp tục nạp thêm 200.000 đồng nữa nhưng điện thoại của tôi vẫn không hoạt động trở lại và toàn bộ số tiền tôi đã nạp vào tài khoản cũng không cánh mà bay. Tôi gọi điện cho tổng đài thì được nhân viên trực cho biết: “Số máy người gọi đến cho tôi không phải là máy của tổng đài nên họ không chịu trách nhiệm”, anh Nguyễn Lê Hòa, ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai bức xúc kể lại.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, một hôm, chị Hoàng Thị Thắm - sinh viên ĐH Văn hóa nhận được tin nhắn thông báo với nội dung: “Quý khách đã nhận được 100.000 đồng do thuê bao 0973564… gửi tặng. Do dùng thuê bao trả sau nên chị Thắm không thể kiểm tra được tài khoản của mình. Khoảng nửa tiếng sau, chị Thắm lại nhận được tin nhắn với nội dung “Tôi đã bắn nhầm tiền. Làm ơn cho tôi xin lại”. Tin là thật, chị Thắm đi mua một chiếc thẻ cào trị giá 100.000 đồng rồi nhắn lại mã nạp tiền. Sau đó chị Thắm gọi điện đến tổng đài kiểm tra thì mới biết chẳng có ai tặng nhầm tiền cả. 

Một trong những chiêu lừa cũ nhưng nhiều người vẫn mắc là sau khi hack nick của người nào đó, hacker đã dùng nick này gửi tin tới bạn bè của nạn nhân trong danh sách với nội dung do có việc gấp nên nhờ mua thẻ điện thoại. Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn lập một website cho phép nạp tiền vào tài khoản với mức khuyến mãi cao hơn nhiều lần so với số tiền nạp. Với chiêu thức thông báo trúng thưởng số tiền lớn, lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của không ít chủ thuê bao di động trả trước, một số đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền. Tuần trước, sau khi mua sim mới về sử dụng, anh Lê Trung Nghĩa, ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh nhận được cuộc điện thoại từ một người giới thiệu tên L là nhân viên của Viettel báo số sim của anh Nghĩa đã trúng thưởng số tiền trên 3 triệu đồng. Để xác nhận trúng thưởng anh Nghĩa phải mua thẻ cào 500.000 đồng nhắn lại ngay cho L. Anh Nghĩa mua thẻ nhắn mã số nạp tiền lại cho L. Chỉ đến khi gọi đến số máy của L báo không liên lạc được anh Nghĩa mới biết là mình đã bị lừa. 

Chủ thuê bao cần cảnh giác

Thời gian gần đây, tình trạng đánh cắp mật khẩu Yahoo để lừa nạp tiền điện thoại xuất hiện khá phổ biến. Anh Vũ Trọng Thắng  - nhân viên kế toán ở quận Thanh Xuân chia sẻ: “Sau khi hack nick chat của tôi, đối tượng đã dùng chính nick này gửi thông tin có một hãng viễn thông đang áp dụng khuyến mãi trong một ngày duy nhất “nạp tiền 100.000 đồng nhưng được nhận tới 500.0000 đồng” tới tất cả bạn bè có trong danh sách của tôi.  Kèm theo đó là địa chỉ trang web hướng dẫn nạp tiền. Tin tưởng là tin nhắn do tôi gửi nên khá nhiều bạn bè của tôi đã tận dụng cơ hội “có một không hai” đua nhau đi mua thẻ điện thoại để mong nhận khuyến mại khủng. Tuy vậy, sau khi nạp được tiền họ không những không được hưởng khuyến mại mà số tiền vừa nạp cũng mất hút. Chỉ đến khi gọi điện lại cho tôi, họ mới biết mình bị lừa”. 

Có thể nói, thủ đoạn mà kẻ xấu sử dụng nhiều nhất là gọi điện hoặc nhắn tin thông báo trúng thưởng với số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Để xác nhận trúng thưởng và làm thủ tục nhận giải, chủ thuê bao trúng thưởng phải nạp thẻ cào gửi lại. Sau khi nhận được tiền, những đối tượng này lập tức tắt máy. Mặc dù đại diện các mạng viễn thông đều khẳng định họ không có chương trình trúng thưởng  nào theo kiểu khách hàng phải cung cấp mã số thẻ cào, nạp tiền để xác nhận nhưng không ít người do hám lợi hoặc quá cả tin vẫn bị mắc lừa. 

Theo một đại diện của  Mobifone, trong nhiều trường hợp nạn nhân tuy biết mình bị lừa nhưng do số tiền bị mất không nhiều nên ngại trình báo cơ quan chức năng. Do đó, đối tượng lừa đảo vẫn có cơ hội để chiếm đoạt tiền của những người khác. Để tránh bị sập bẫy, các chủ thuê bao cần cảnh giác với những cuộc gọi, tin nhắn thông báo trúng thưởng và liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ trong thời gian sớm nhất để xác minh thông tin. Khi có nhu cầu tìm hiểu về mọi thông tin  khuyến mãi, ưu đãi của các nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng hãy vào các website chính thức của doanh nghiệp để tra cứu. Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng cần tăng cường tuyên truyền tới các chủ thuê bao qua tin nhắn hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về các chiêu lừa đảo mới. 

Bên cạnh sự lơ là, thiếu cảnh giác của các chủ thuê bao thì thực trạng cũng cho thấy sự phối hợp thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng và các hãng di động. Và có thể nói, chừng nào những vấn đề này không được giải quyết triệt để thì các chủ thuê bao di động vẫn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo mất tiền, thậm chí mất cả sim…