Dự thảo Thông tư quy định về quan hệ phối hợp thực hiện Luật Thi hành án hình sự về thi hành án hình sự tại cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Dự thảo Thông tư liên tịch Quy định về quan hệ phối hợp trong việc thi hành một số quy định của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án hình sự tại cộng đồng, đang được lấy ý kiến rộng rãi, trước khi ban hành. Tòa soạn An ninh Thủ đô Cuối tuần trân trọng giới thiệu nội dung Dự thảo Thông tư liên tịch.
Các cơ quan thi hành án phối hợp trong việc thi hành một số quy định của Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự tại cộng đồng

Các cơ quan thi hành án phối hợp trong việc thi hành một số quy định của Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự tại cộng đồng

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư liên tịch quy định quan hệ phối hợp trong việc thi hành một số quy định của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án hình sự tại cộng đồng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định về quan hệ phối hợp trong việc thi hành một số quy định của Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự về thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện (gọi chung là thi hành án hình sự tại cộng đồng).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với:

1. Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ về thi hành án hình sự, Công an cấp xã.

2. Người được hưởng án treo; người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; người được hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện (gọi chung là người chấp hành án).

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện thi hành án hình sự tại cộng đồng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng bao gồm hoạt động: Giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế; quản lý người được hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

2. Hồ sơ thi hành án bao gồm: Hồ sơ thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; hồ sơ thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; hồ sơ phạm nhân của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

3. Hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng bao gồm: Hồ sơ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú; hồ sơ kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế; hồ sơ quản lý người được hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tiếp nhận người thi hành án trong trường hợp người chấp hành án tự giác đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để chấp hành án phạt tù

1. Việc tiếp nhận người chấp hành án thực hiện như sau:

a) Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại bản án đã có hiệu lực pháp luật: Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiếp nhận; đưa người bị kết án phạt tù đi chấp hành án phạt tù;

b) Đối với người được hoãn chấp hành án phạt tù: Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiếp nhận; đưa người được hoãn đi chấp hành án phạt tù; thông báo cho Toà án đã ra quyết định thi hành án để làm thủ tục hủy quyết định hoãn chấp hành án phạt phạt tù;

c) Đối với người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù: Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiếp nhận; đưa người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi chấp hành án trước khi được tạm đình chỉ để tiếp tục chấp hành án phạt tù; thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án để làm thủ tục hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;

d) Đối với người được hưởng án treo có quyết định buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo đã có hiệu lực pháp luật, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đã có hiệu lực pháp luật: Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiếp nhận; làm thủ tục đưa người chấp hành án đi chấp hành án phạt tù.

2. Việc tiếp nhận người chấp hành án tự giác đến chấp hành án phải lập biên bản; việc đưa người đi chấp hành án phạt tù tại điểm a, b, d khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Thi hành án hình sự.

Điều 5. Thi hành án đối với các trường hợp cơ quan thi hành án hình sự khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án đã hết thời hạn chấp hành án hoặc thời gian chấp hành án còn lại ngắn

1. Trường hợp khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án phải thi hành mà đã hết thời hạn chấp hành án thì thực hiện như sau:

a) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xem xét làm thủ tục cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án treo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù; thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội biết; không thực hiện sao gửi tài liệu cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội không lập hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án.

2. Trường hợp khi nhận được quyết định thi hành án mà thời gian phải chấp hành án còn lại ngắn (dưới 01 tháng) thì thực hiện như sau:

a) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ thi hành án; sao gửi tài liệu cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội.

Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội tiếp nhận tài liệu để theo dõi, quản lý; không lập hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án;

b) Khi hết thời hạn chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu về quá trình chấp hành án để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt.

Điều 6. Thi hành án treo, cải tạo không giam giữ đối với các trường hợp khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án nhưng người chấp hành án không còn ở nơi cư trú

1. Khi nhận được quyết định thi hành án treo, cải tạo không giam giữ mà người chấp hành án không có mặt tại nơi cư trú, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải xác minh tại các địa phương được Tòa án giao giám sát, giáo dục người chấp hành án; tại các địa chỉ khác của người bị kết án được ghi trong bản án (nếu có) và các địa chỉ khác có liên quan.

2. Trường hợp xác định được nơi ở của người chấp hành án thì yêu cầu người chấp hành án trở về nơi cư trú; lập biên bản xử lý vi phạm hoặc xử phạt vi phạm hành chính (tuỳ theo tính chất, mức độ) và tiến hành các thủ tục thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

3. Trường hợp xác định người chấp hành án đã bỏ đi khỏi nơi cư trú không biết đi đâu, không rõ đang ở đâu, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có văn bản thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án để giải quyết, xử lý.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải có văn bản trả lời về việc thi hành án.

4. Trường hợp xác định người chấp hành án đã thay đổi nơi cư trú ngoài phạm vi cấp huyện (có địa chỉ rõ ràng, nơi ở ổn định) thì thực hiện như sau:

a) Trường hợp người chấp hành án được thay đổi nơi cư trú theo sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thông báo và chuyển bản án, quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án hiện tại đang cư trú;

b) Trường hợp người chấp hành án tự thay đổi nơi cư trú mà chưa có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện triệu tập người chấp hành án, lập biên bản vi phạm nghĩa vụ hoặc xử lý vi phạm hành chính (tuỳ theo tính chất, mức độ); sau đó thông báo và chuyển bản án, quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án hiện tại đang cư trú;

c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án hiện tại đang cư trú tiếp nhận bản án, quyết định thi hành án và tổ chức thi hành theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Điều 7. Thi hành án treo, cải tạo không giam giữ trong trường hợp Tòa án giao cho cơ quan, tổ chức không phải là Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội thực hiện giám sát, giáo dục người chấp hành án

1. Khi nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có văn bản thông báo và gửi lại quyết định thi hành án cho Toà án đã ra quyết định thi hành án.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Toà án đã ra quyết định thi hành án phải có ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về việc thi hành án.

2. Trường hợp người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ đang chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức không phải là Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội mà có đơn xin chuyển nơi chấp hành án về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú thì tiến hành chuyển giao việc thi hành án và giám sát, giáo dục người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú như sau:

a) Trường hợp cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục có địa chỉ cùng địa bàn hành chính cấp huyện với địa chỉ nơi người chấp hành án đang cư trú:

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiếp tục tổ chức thi hành án; bàn giao các hồ sơ, tài liệu có trong hồ sơ giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức (nếu có) và sao gửi các tài liệu có liên quan cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án đang cư trú.

b) Trường hợp cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục có địa chỉ khác địa bàn hành chính cấp huyện với địa chỉ nơi người chấp hành án đang cư trú:

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang thi hành án chuyển giao hồ sơ thi hành án và các tài liệu trong hồ sơ giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức (nếu có) cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án đang cư trú.

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án đang cư trú tiếp tục tổ chức thi hành án; bàn giao các hồ sơ, tài liệu có trong hồ sơ giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức (nếu có) và sao gửi các tài liệu có liên quan cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án đang cư trú.

c) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án đang cư trú tiếp nhận hồ sơ tài liệu; lập hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án; tổ chức giám sát, giáo dục người chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Điều 8. Xác định thời gian chấp hành án

1. Việc xác định thời điểm bắt đầu chấp hành án thực hiện như sau:

a) Thời điểm bắt đầu chấp hành án treo thực hiện theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.

b) Thời điểm bắt đầu chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nhận được quyết định thi hành án.

* Phương án 2: Thời điểm bắt đầu chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu triệu tập được người chấp hành án.

c) Thời điểm bắt đầu chấp hành án phạt cấm cư trú, quản chế tính từ ngày chấp hành xong án phạt tù;

d) Thời điểm bắt đầu chấp hành án phạt tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định tính từ ngày chấp hành xong án phạt tù nếu hình phạt chính là tù chung thân (kể cả trường hợp tử hình được ân giảm xuống chung thân), tù có thời hạn; tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.

2. Thời gian không được tính vào thời hạn chấp hành án phạt quản chế trong trường hợp người chấp hành án phạt quản chế vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 116 Luật Thi hành án hình sự được xác định như sau:

a) Căn cứ xác định: Biên bản xác định người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế mà không có giấy phép; biên bản xác định người chấp hành án phạt quản chế vi phạm quy định ghi trong giấy phép;

b) Thời gian không được tính vào thời gian chấp hành án phạt quản chế: Tính theo số ngày đi khỏi nơi quản chế không xin phép hoặc số ngày vi phạm quy định ghi trong giấy phép. Trường hợp người chấp hành án phạt quản chế bỏ đi khỏi nơi quản chế chưa trở lại thì chưa xác định ngày chấp hành xong án phạt quản chế;

c) Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về việc trừ thời gian chấp hành án phạt quản chế. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện ra quyết định bằng văn bản về trừ thời gian chấp hành án phạt quản chế và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Tòa án đã ra quyết định thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 9. Thi hành án trong trường hợp người chấp hành án đồng thời phải chấp hành án phạt khác

1. Trường hợp người chấp hành án đồng thời phải chấp hành án phạt tù.

a) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội thực hiện các thủ tục thi hành án hình sự tại cộng đồng theo quy định của Luật Thi hành án hình sự; phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang thi hành án phạt tù để thực hiện việc thi hành án hình sự tại cộng đồng;

b) Không thực hiện các thủ tục về triệu tập người chấp hành án, nộp bản tự nhận xét, báo cáo định kỳ, kiểm điểm người chấp hành án, giảm, miễn thời hạn chấp hành án và các công việc khác do người chấp hành án đang chấp hành án phạt tù trong các cơ sở giam giữ phạm nhân;

c) Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội có văn bản đề nghị trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi quản lý phạm nhân hàng tháng có văn bản thông báo về tình hình, kết quả chấp hành án phạt tù của người chấp hành án để làm căn cứ, cơ sở nhận xét, đánh giá người chấp hành án theo định kỳ. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi đang thi hành án phạt tù phải có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội.

d) Trường hợp chấp hành xong án hình sự tại cộng đồng mà chưa chấp hành xong án phạt tù thì tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt; gửi các cơ quan, tổ chức cá nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và gửi cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang thi hành án phạt tù;

Trường hợp chấp hành xong án phạt tù khi chưa chấp hành xong án hình sự tại cộng đồng thì tiếp tục thực hiện thi hành án hình sự tại cộng đồng cho đến khi chấp hành xong án phạt. Sau khi người chấp hành án trở về địa phương, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải làm thủ tục triệu tập người chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Thi hành án hình sự và tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

2. Trường hợp người chấp hành án đồng thời phải chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tha tù trước thời hạn có điều kiện thì tổ chức thi hành án từng án phạt riêng rẽ, việc thi hành hình phạt này không phụ thuộc vào việc thi hành hình phạt khác.

3. Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải chấp hành hình phạt bổ sung là cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì ngay sau khi chấp hành xong thời gian thử thách, được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

(Còn tiếp)