Dự thảo luật “Cái chết êm ái”: Nhân văn hay trái truyền thống đạo đức?

ANTĐ - Không chỉ ở Việt Nam xảy ra sự tranh cãi quyết liệt về "cái chết êm ái", mà trên thế giới cũng đã từng có. Việc đưa "cái chết êm ái" thành quy định trong luật pháp đã vấp phải ý kiến phản đối cho rằng đi ngược với truyền thống...

Trên thực tế, có rất nhiều bệnh nhân hiểm nghèo, mọi nỗ lực chữa trị trở nên vô ích. Việc kéo dài tình trạng này chỉ khiến bệnh nhân thêm đau đớn, người thân hao mòn về tinh thần cũng như tiền của. Từ đó đã xuất hiện dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế xây dựng, trong đó có đề xuất cho phép thực hiện "cái chết êm ái". Bên cạnh những ý kiến ủng hộ và cho rằng đó là nhân đạo, cũng có ý kiến cho đó là hành động đi ngược với đạo đức, vi phạm nhân quyền của người Việt Nam, đặc biệt sẽ tạo ra lỗ hổng trong luật pháp. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc tìm hiểu, trao đổi xung quanh vấn đề này.

Khi người "sống không bằng chết"

Chẳng khó khăn để chúng ta đưa ra dẫn chứng về những người mắc bệnh hiểm nghèo nằm trong nhóm "điều trị vô ích". Những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, những bệnh nhân sống thực vật... Mọi chữa trị trở nên vô ích, chỉ kéo dài thêm tình trạng "khổ sở" của người bệnh. Đã có không ít ý kiến cho rằng, những trường hợp không may rơi vào hoàn cảnh đó, nên cho phép họ thực hiện "cái chết êm ái", hay còn gọi "quyền được chết".

Trường hợp của chị Cao Thị Thái (thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang) khiến nhiều người thương cho cả người bệnh lẫn người nhà. Chị Thái làm nghề phụ hồ, không may năm 2010 bị ngã từ tầng 2 xuống khi đang lao động. Sau nhiều ngày nằm viện bác sĩ cho biết chị bị liệt từ cổ trở xuống. Gia đình chuyển hết viện này sang viện khác, chạy vạy khắp nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Mặc dù tinh thần vẫn còn rất minh mẫn nhưng chị Thái phải nằm bất động. Mọi sinh hoạt dựa hoàn toàn vào chồng và các con, ăn uống đều qua ống xông. Suốt 3 năm bất động, chị Thái thấy cuộc sống của mình thật vô nghĩa, phiền hà cho người nhà và đau khổ cho chị. Nhiều lần chị đã nghĩ đến sự giải thoát, chị đã tuyệt thực. Thế nhưng mỗi lần như vậy, tất cả mọi người đều không đồng ý và gọi bác sĩ truyền đạm, truyền nước để kéo dài sự sống cho chị. Anh Minh (chồng chị Thái) chia sẻ: "Còn nước còn tát, có thể vợ tôi không thể khỏi bệnh nhưng tôi và các con không thể sống thiếu bà ấy".

Ảnh minh họa

Được mọi người giới thiệu, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thành (Quảng Xương, Thanh Hóa) tại Bệnh viện Bạch Mai. Chị Thành được mọi người gọi với cái tên "người của bệnh viện". Đã 4 năm nay chị thường xuyên có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai để chăm sóc chồng nằm bất động trên giường bệnh. Sự sống của chồng chị chỉ là những tín hiệu trên màn hình, máy móc của bệnh viện. Chồng chị Thành bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, anh phải sống thực vật trên giường.

Chị Thành chia sẻ: "Em đã bán hết tất cả những gì có giá trị rồi, kể cả mảnh đất ở nhà. Bây giờ hai mẹ con lên Hà Nội lang thang vừa chăm chồng, chăm cha, vừa kiếm ăn. Vì chồng, em có thể làm bất cứ việc gì, chỉ mong chồng có một chút hy vọng. Nhiều lần bác sĩ khuyên em rút ống xông, không thở ôxy nữa để anh ấy ra đi thanh thản. Em có về hỏi ý kiến mọi người thì bị bố mẹ chồng phản đối kịch liệt. Không biết em còn trụ được đến bao lâu".

Thực tế có rất nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải trải qua những tháng ngày cuối đời vô cùng đau đớn. Trong những lúc đớn đau, vô vọng đó đã có nhiều bệnh nhân ôm chân bác sĩ xin được chết. Nhiều bác sĩ trực tiếp điều trị, trực tiếp chứng kiến những đớn đau của bệnh nhân đều trả lời không có cách nào giúp họ giải thoát. Bởi thực tế luật pháp không cho phép. Và cách giải thoát khi không còn hy vọng, khi quá đớn đau có phải là nhân đạo với người bệnh?

Một bác sĩ công tác tai bệnh viện K (xin được giấu tên) chia sẻ: "Có là người trực tiếp điều trị, chứng kiến mới thấy họ sống quá đau đớn, nếu pháp luật cho phép thì "cái chết êm ái" có lẽ là điều an ủi cho họ phần nào".

Năm 2005, "quyền được chết" đã từng được đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự Việt Nam. Tuy nhiên, đã không được thông qua và hiện lại được đề cập trong quá trình sửa đổi Luật Dân số. Có thể hiểu "cái chết êm ái" là một hình thức trợ tử, an tử - hỗ trợ bệnh nhân được chết. Những bệnh nhân rơi vào tình cảnh "điều trị vô ích" sẽ được áp dụng. Chỉ một liều thuốc họ sẽ chấm dứt đớn đau cho họ và cả thân nhân. ở góc độ đó, nhiều ý kiến cho rằng đây là cách làm nhân đạo. Thế nhưng, cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra khá nảy lửa. Nhiều người không đồng thuận với ý kiến đó.

Những người làm về luật pháp lại cho rằng, nếu đưa "cái chết êm ái" vào luật sẽ là một hiểm họa thực sự với những người có vấn đề về thần kinh. Bởi lẽ, những người bình thường khỏe mạnh, nhưng vì những lý do: Trầm cảm, thất tình, làm ăn thua lỗ, bị sốc về tâm lý... hoàn toàn có thể được điều trị. Thế nhưng, ở thời khắc "thần kinh có vấn đề" như vậy, nhiều người có xu hướng tìm đến cái chết. Và nó sẽ trở nên trái với đạo đức đối với người mắc bệnh tâm thần. Lúc đó sẽ "giết chết" một số bệnh nhân không có khả năng tự quyết định, người đang gặp vấn đề về thần kinh.

Không chỉ ở Việt Nam xảy ra sự tranh cãi quyết liệt về "cái chết êm ái" mà trên thế giới cũng đã từng có. Việc đưa "cái chết êm ái" thành quy định trong luật pháp đã vấp phải ý kiến phản đối cho rằng đi ngược với truyền thống, phá vỡ tính ổn định xã hội, cổ súy cho cái chết, coi thường sự sống... Như vậy là không có nhân đạo, đánh mất nhân quyền.

"Cái chết êm ái" là rất nhân văn...

Trước thực tế và những ý kiến trái chiều, chúng tôi có cuộc trao đổi với GS-TS Nguyễn Đình Cử (Viện Dân số và các vấn đề xã hội) - người đề xuất đưa vấn đề "cái chết êm ái" vào Luật Dân số.

- Thưa ông, chúng ta đã biết "luật được chết" đã từng được một sổ đại biểu Quốc hội đề xuất từ năm 2005 và đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Rất nhiều người cho rằng điều này đi ngược với đạo lý của người Việt Nam. Vậy vì sao ông lại đề xuất nên cho thực hiên "cái chết êm ái"?

Trên thế giới, người ta tranh cãi cũng rất dữ dội. Ở Việt Nam mình, sau khi đề xuất như vậy, tôi cũng tìm hiểu trên báo chí và những người xung quanh thì cũng có người ủng hộ, có người phản đối. Nhưng cũng chưa thể làm được một điều tra thống kê cụ thể xem bao nhiêu phần trăm ủng hộ, bao nhiêu phần trăm phản đối. Chúng ta phải thừa nhận thực tế, có nhiều trường hợp người dân mắc bệnh hiểm nghèo, y học bó tay, sống trong đau đớn về thể xác, dằn vặt về tinh thần hoặc đã sống thực vật, không còn nhận biết được thế giới. Không chỉ họ khổ mà người thân, gia đình hao tiền tốn của chạy chữa. Vì thế "cái chết êm ái" trong trường họp này, với bệnh nhân là một lựa chọn nhân văn.

- Theo ông, quy định này sẽ áp dụng cho đối tượng nào?

Khi đưa ra đề xuất này, tôi cũng chỉ đề cập đến những trường hợp bệnh nhân sống đời thực vật, tôi chỉ mới nói đến đời sống thực vật, y học bó tay. Trong khi những người thân của họ thì kiệt quệ về kinh tế, sức lực và thời gian. Tôi nghĩ, bản thân những người bệnh nếu như họ còn có thể nhận thức được thì họ cũng không hề muốn người thân mình phải khổ sở lâu dài vì mình như thế.

- Rất nhiều người được hỏi đã phản đối ý tưởng này của ông, ông có ý kiến gì?

Điều này ảnh hưởng đến cả đời sống và tương lai của những người thân của người bệnh. Để biết nó thực sự có nên hay không thì chúng ta nên hỏi người thân của những bệnh nhân đang sống đời thực vật. Họ sẽ là người cho chúng ta câu trả lời xác thực nhất. Còn tất nhiên, nếu hỏi chung chung thì hầu hết chúng ta đều sẽ lại nói rằng, còn nước còn tát, rằng không nên như thế. Nhưng xét về một khía cạnh thì "cái chết êm ái" lại rất nhân văn: nhân văn cho cả người bệnh và thân nhân của họ.

GS-TS Nguyễn Đình Cử (Viện Dân số và các vẫn đề xã hội)

- Cần phải có những quy định gì đối với một ai đó muốn có "cái chết êm ái"?

Để đưa ra quyết định cho phép ai đó "chết êm ái" cần phải có quy định, tư vấn, kiểm tra, kết luận của hội đồng khoa hoọc như: Bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ tâm thần, luật sư và cả chính quyền sở tại của người bệnh... Hội đồng này sẽ chứng thực các điều kiện "được chết" theo đúng quy định. Người bệnh phải được công nhận là hoàn toàn sống thực vật, không có khả năng cứu chữa hoặc người thân cạn kiệt tài chính, không thể "nuôi" một người không còn nhận thức. Hiện chúng tôi mới xới xáo vấn đề thôi, còn xây dựng cụ thể như thế nào, các nghị định hướng dẫn thực thi ra sao thì còn là câu chuyện rất dài.

Giáo sư - Tiến sĩ Lê Trung Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103:

Quan điểm của người thầy thuốc thì bao giờ cũng là còn nước còn tát, cố gắng hết sức để cứu người bệnh tối đa có thể cả về tinh thần, trách nhiệm cả về chuyên môn. Tôi cũng là người trực tiếp vận động nhiều gia đình có người bệnh bị tai nạn chết não đồng ý hiến nội tạng. Nhưng đó lại hoàn toàn khác, vì khi ấy bệnh nhân biết chắc là chỉ sống được trong vòng khoảng 24 giờ nữa thôi.

Còn về "cái chết êm ái", cứ đặt giả thiết thế này, nếu thân nhân người bệnh thực sự “trong sáng" thì không nói làm gì. Nhưng cũng phải phòng trường hợp họ không “trong sáng", có mục đích khác thì hậu quả sẽ nghiêm trọng. Trên thực tế có những người họ trầm cảm, chán đời, buồn phiền nhiều chuyện muốn tìm đến cái chết. Thế nhưng, khi chúng ta biết được ý định và hành động của họ chúng ta cũng đều tìm mọi cách để cứu họ. Tất nhiên, khi đưa ra đề xuất thì sẽ còn phải ý kiến này, ý kiến nọ và cũng chưa biết nó sẽ chặt chẽ đến đâu, chắc sẽ còn phải thảo luận nhiều.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật sư Interla, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết:

Theo hiến pháp thì sức khỏe và tính mạng của con người là quyền bất khả xâm phạm. Trong trường hợp này, muốn để có cái chết nhân đạo thì phải được thay đổi từ hiến pháp và Luật hình sự chứ không được thay đổi, điều chỉnh theo luật Dân số. Mà theo tôi biết hiến pháp trong đợt này cũng không có kế hoạch thay đổi về điều ấy. Cái này đã đưa ra bàn gần mười năm nay rồi nhưng không thông qua được vì phải đợi hiến pháp. Giả sử điều này được thông qua thì rất có thể người ta sẽ lợi dụng, giết người thì không truy cứu được, Ví dụ như người ta có thể ép người bệnh bằng một hình thức nào đấy viết, hoặc đồng ý theo nội dung đại loại như, "do tôi lâu ngày, không có khả năng hồi phục, đồng thời làm ảnh hưởng đến những người thân nên muốn tự nguyện được nhận cái chết êm ái". Ngoài ra, bệnh án cũng có thể sửa được. Chính vì thế mà điều này rất khó có thể thông qua.

Tại Hà Lan, năm 2002, luật pháp nước này chính thức cho phép an tử "Sự tự tử có trợ giúp của bác sỹ. Áo thông qua Luật An tử năm 1995, đến năm 1997 thì phải bỏ. Tại Mỹ cấm an tử nhưng bang Pregon và bang Texas lại cho phép cái chết êm ái. Tại châu Á, Luật An tử vẫn đang là vấn đề tranh cãi của các nhà làm luật.