Đủ nguồn lực triển khai 5 quy hoạch lớn

ANTĐ - Ngày 5-4, bên lề Kỳ họp thứ 4, HĐND TP khóa XIV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc triển khai 5 quy hoạch lớn vừa được HĐND TP thông qua.
Đủ nguồn lực triển khai 5 quy hoạch lớn ảnh 1
Quy hoạch mạng lưới trường học, bệnh viện cũng phải nằm trong quy hoạch chung của Thủ đô


- PV: Lượng vốn đầu tư để hiện thực hóa 5 quy hoạch là cực lớn, TP sẽ có giải pháp nào để thu xếp nguồn vốn triển khai quy hoạch? - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: 5 quy hoạch này đều thuộc những ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội chủ yếu, như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, y tế. Đây là những quy hoạch chuyên ngành hết sức quan trọng khi thành phố triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Khi làm quy hoạch, TP đã tính toán đến nhu cầu về các nguồn lực, nhất là nguồn vốn để thực thi quy hoạch. Mọi tính toán phải đảm bảo tính khả thi và dựa trên khả năng của thành phố. Mỗi quy hoạch đều đưa ra dự toán kinh phí và cơ cấu kinh phí. Đối với các ngành như thương mại, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì phần nguồn vốn ngân sách chỉ khoảng 10%, còn lại là nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế, từ xã hội. Đối với các ngành xã hội như giáo dục - đào tạo, y tế thì ngân sách là nguồn chính. TP tính là 65% từ ngân sách cho các ngành, lĩnh vực xã hội này, còn 35% là nguồn huy động từ xã hội. - Nếu quá thiên về xã hội hóa, có người lo rằng sẽ gia tăng tình trạng bệnh viện, trường học lạm thu, TP sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? - Khi thu hút nguồn vốn xã hội hóa, một trong những vấn đề đặt ra là phải kiểm soát được vấn đề về giá và thu phí. Đây chính là những vấn đề chúng ta phải lưu ý để khắc phục trong giai đoạn sắp tới.- Có ý kiến đại biểu HĐND TP băn khoăn là sắp tới đặt ra nhiều dự án quá thì không có đủ nguồn lực để làm? - Nguồn ngân sách từ nay đến 5 năm và 10 năm nữa phân kỳ ra 2 giai đoạn (từ 2011 đến 2015 và từ 2015-2020). Nguồn vốn ngân sách này dựa vào khả năng thu hiện nay của Hà Nội và trong 5 năm tới để phân kỳ đầu tư cho những mục tiêu, những danh mục ưu tiên. Lượng vốn và các dự án ưu tiên của 5 năm tới chỉ tập trung cho những công trình cấp bách, trọng tâm. Số dự án còn lại tập trung vào những năm tiếp theo, tức là 2015-2020. Vấn đề cơ bản bây giờ là làm sao huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách. UBND TP đã tính toán đến việc sẽ xây dựng và ban hành những cơ chế chính sách để hấp dẫn, thu hút nguồn lực từ xã hội. Tóm lại, TP đã cân đối khả năng để chi cho các ngành, lĩnh vực nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.- TP có gặp khó khăn về bố trí quỹ đất để hoàn thành mục tiêu xây dựng mới hàng chục bệnh viện, hàng trăm trường học trong 10 năm tới? - Quy hoạch mạng lưới trường học cũng như bệnh viện phải căn cứ vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Nó cũng phụ thuộc vào dự báo và tính toán quá trình đô thị hóa, quy mô dân số. Từ đó, chúng ta đưa ra mục tiêu là phải xây dựng bao nhiêu trường học, bệnh viện. Đất đai thì chúng ta có rồi, vấn đề cơ bản bây giờ là huy động nguồn vốn để đầu tư. Trong những năm tới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng của hệ thống giáo dục - đào tạo và y tế sẽ thiên về nguồn lực của xã hội. Hệ thống mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh hay trường học đều là một trong những mảng xã hội rất quan tâm và muốn tham gia đầu tư. - Người dân quan tâm tới khâu tổ chức và quản lý quy hoạch sau này. TP có nên đưa ra chế tài, biện pháp buộc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy hoạch? - Sau khi phê duyệt quy hoạch thì bao giờ cũng kèm theo kế hoạch tổ chức thực hiện, đặc biệt là những quy định và quy chế để thực hiện quy hoạch. UBND TP sẽ ban hành quy định về quy chế quản lý nhằm bảo đảm các quy hoạch được thực hiện. Đương nhiên khi chúng ta thực hiện quy hoạch, còn vấn đề nữa là khi có biến động, thay đổi, hay phát sinh vấn đề mới thì chúng ta có những điều chỉnh.
 Cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

Hôm qua, 5-4, kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã bế mạc sau 3 ngày làm việc. Kết quả, HĐND TP đã thông qua 5 Nghị quyết về 5 quy hoạch chuyên ngành các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, y tế, công nghiệp, thương mại và nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, 5 nghị quyết về các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, công nghiệp, thương mại và cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới được HĐND TP thông qua tại kỳ họp này được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đây là một bước đi quan trọng, cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2011-2020... Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND TP, UBND TP sẽ tiếp thu, hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách, cụ thể bằng các chương trình, kế hoạch, quy định để thực hiện thành công 5 quy hoạch trong thời gian tới.