Du lịch Việt Nam khẳng định sức hấp dẫn

(ANTĐ) - Đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng, đứng thứ 4 về tỷ trọng đóng góp vào lền kinh tế quốc dân và thứ 5 về kết quả tuyệt đối đã khẳng định sức hấp dẫn, vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Du lịch Việt Nam khẳng định sức hấp dẫn

(ANTĐ) - Đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng, đứng thứ 4 về tỷ trọng đóng góp vào lền kinh tế quốc dân và thứ 5 về kết quả tuyệt đối đã khẳng định sức hấp dẫn, vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Tiềm năng lớn

Theo kết quả do Hiệp hội du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA) và Công ty Visa International (Visa) công bố cuối năm 2010, Việt Nam hiện là điểm đến được nhiều du khách quốc tế ưa chuộng, đặc biệt là đối với khách du lịch từ Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Australia.

Du lịch biển, tiềm năng lớn của du lịch Việt Nam
Du lịch biển, tiềm năng lớn của du lịch Việt Nam

Trong năm vừa qua, điểm nhấn thu hút lượng lớn chủ yếu khách du lịch là hàng loạt các sự kiện lớn được tổ chức trong nước, tiêu điểm là năm du lịch quốc gia 2010 hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tính riêng trong 10 ngày Đại lễ đã có hơn 1,2 triệu khách du lịch đến thủ đô.

Theo phương pháp tính toán sử dụng tài khoản vệ tinh của Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC), năm 2010, ngành kinh tế du lịch và lữ hành Việt Nam đóng góp 12,4% vào GDP ứng với 231.286 tỷ đồng tương đương 12,5 tỷ USD, dự báo đến 2020 chiếm 13,1% GDP ứng với 738.667 tỷ đồng tương đương 32,6 tỷ USD.  Ngành du lịch và lữ hành đã tạo ra 4,53 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, chiếm 9,9% tổng số lao động, trong đó lao động trực tiếp là 1,39 triệu.

Những con số trên cho thấy vị thế quan trọng và triển vọng của ngành Du lịch Việt Nam trong nền kinh tế quốc dân. Hiệu ứng kinh tế của hoạt động du lịch thực sự có tác động lan tỏa tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.

Cơ hội và thách thức

Tuy đạt được những thành tựu đáng khích lệ về tốc độ tăng trưởng du lịch trong một thời gian ngắn, nhưng hội nhập quốc tế bên cạnh việc mở ra những cơ hội phát triển mới cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức với ngành du lịch Việt Nam

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Việt Nam - Hà Văn Siêu cho rằng vấn đề đặt ra trước mắt cho toàn ngành là phải khắc phục những thiếu sót, hạn chế sự thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất, quy mô đầu tư manh mún, quy hoạch chồng chéo, liên kết lỏng léo, nhân lực yếu kém, thiếu nhận thức du lịch của người dân, không chú trọng bảo vệ môi trường, sản phẩm du lịch thiếu đặc thù, không đáp ứng được yêu cầu…

Để thực hiện thành công chiến lược, đạt mục tiêu đề ra, các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, cần xem xét và dự đoán những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới để điều chỉnh một số mục tiêu sao cho hợp lý, khả thi cho từng thời điểm. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên du lịch biển là vấn đề hết sức quan trọng. Đây vốn là một thế mạnh truyền thống của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch văn hóa phải gắn với di sản, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng…, kèm theo đó là dịch vụ du lịch cao cấp như: du thuyền, làm đẹp, dưỡng bệnh kết hợp đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực đặc sắc của Việt Nam.

Để tồn tại trong môi trường quốc tế khắc nghiệt, cạnh tranh với những ngành du lịch phát triển trong khu vực và trên thế giới, vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch Việt Nam là phải xác lập được cho mình những thế mạnh nhất định trên cơ sở nâng cao những lợi thế cạnh tranh quốc gia bền vững song song với việc không ngừng tư duy, định vị những lợi thế cạnh tranh quốc gia mới và tìm cách khắc phục những bất lợi thế cạnh tranh quốc gia của ngành. Chỉ bằng cách đó, ngành du lịch Việt Nam mới có thể phát triển trong dài hạn và bắt kịp tốc độ phát triển của các quốc gia có ngành du lịch tiến bộ hơn trong khu vực, từng bước đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước.

Nguyễn Hằng