Du lịch làng nghề bị quên lãng

(ANTĐ) - Phát triển làng nghề gắn với du lịch đã được manh nha từ khá lâu. Trên địa bàn Hà Nội cũng đã có một số dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch được phê duyệt từ vài năm nay, nhưng đến thời điểm này, dường như tất cả vẫn bất động. Làng nghề gắn với du lịch, một hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ, lợi ích kinh tế rất lớn, song hầu hết các tour du lịch gắn với làng nghề đều mang tính tự phát. Bởi vậy, trong hơn 2.000 làng nghề trên cả nước, chúng ta vẫn bỏ ngỏ một tiềm năng lớn, phát triển du lịch làng nghề.

Du lịch làng nghề bị quên lãng

(ANTĐ) - Phát triển làng nghề gắn với du lịch đã được manh nha từ khá lâu. Trên địa bàn Hà Nội cũng đã có một số dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch được phê duyệt từ vài năm nay, nhưng đến thời điểm này, dường như tất cả vẫn bất động. Làng nghề gắn với du lịch, một hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ, lợi ích kinh tế rất lớn, song hầu hết các tour du lịch gắn với làng nghề đều mang tính tự phát. Bởi vậy, trong hơn 2.000 làng nghề trên cả nước, chúng ta vẫn bỏ ngỏ một tiềm năng lớn, phát triển du lịch làng nghề.

Khu trưng bày sản phẩm cho khách làng nghề Phú Nghĩa không một bóng người
Khu trưng bày sản phẩm cho khách làng nghề Phú Nghĩa không một bóng người

Điển hình của sự bất động

Làng mây tre giang đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ) nổi tiếng là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời cùng với hoạt động sản xuất phát triển. Theo thống kê của UBND xã Phú Nghĩa, 90% số hộ dân tại Phú Nghĩa làm nghề mây tre giang đan. Thu nhập bình quân của xã năm 2008 khoảng 9,3 triệu đồng/người mỗi năm.

Ông Nguyễn Đình Hoán - cán bộ phụ trách làng nghề xã Phú Nghĩa cho biết: “Phú Nghĩa nằm ở cửa ngõ của Thủ đô, giao thông rất thuận tiện, làng lại có sẵn nghề với 26 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong lĩnh vực mây tre giang đan, bởi vậy, tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của xã là rất lớn. Trong quý I-2009, xã đã đón khoảng 100 lượt khách du lịch, trong đó khoảng 30 khách nước ngoài. Còn lại, hầu hết du khách từ các nơi khác đến mang tính chất tham quan học hỏi, truyền nghề”.

Ông Hoán cho rằng, Phú Vinh có vị trí rất thuận lợi, gần các điểm di tích lịch sử: Chùa Trầm, chùa Trăm Gian, lại ngay cạnh Quốc lộ 6 đi Hòa Bình, Khoang Xanh, Ao Vua. Bên cạnh đó, làng nghề Phú Vinh cũng có lịch sử hình thành khoảng 500 năm, trên địa bàn xã có 3 công trình Đình - Quán được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Song, Phú Vinh lại chưa hề phát huy được mô hình phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Năm 2001, Phú Nghĩa được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và sở Du lịch Hà Tây chọn làm điểm du lịch làng nghề theo tour du lịch trên địa bàn tỉnh. Năm 2002, UBND tỉnh và Sở Du lịch đã phê duyệt đầu tư kinh phí 1 tỷ đồng, đầu tư làm đường cho chương trình phát triển du lịch làng nghề.

Năm 2004, Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) đã có văn bản chỉ đạo về việc khảo sát, xây dựng dự án điểm về phát triển làng nghề kết hợp du lịch. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây đã phê duyệt 3 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch: Sơn tạc tượng Sơn Đồng (Hoài Đức), mây tre giang đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ) và khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên). UBND xã Phú Nghĩa cũng đã thuê các chuyên gia đến khảo sát, đo đạc xây dựng mô hình làng nghề gắn với du lịch.

Song, đến thời điểm này mọi việc vẫn bất động, UBND xã cũng chưa biết đến dự án này. “UBND xã đến bây giờ vẫn chưa được biết trực tiếp về dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch tại xã, mà chỉ nghe qua một số người, một số nơi. Cũng là điểm dừng chân cho khách du lịch làng nghề song đến thời điểm này, địa phương chưa được thu một đồng nào từ khách du lịch. Mọi thủ tục đón tiếp khách du lịch hoàn toàn do kinh phí của địa phương bỏ ra” - ông Hoán khẳng định.

Sản phẩm mây tre giang đan của Phú Nghĩa rất đa dạng, song nhà truyền thống trưng bày sản phẩm làng nghề phục cho khách du lịch vẫn đang là nhà tạm nên hầu hết sản phẩm trưng bày đều được “gửi” tại gia đình một số nghệ nhân trong xã. Ông Nguyễn Phương Thảo - Phó Trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề cho biết: “Dự án tại Phú Nghĩa đã giao về cho huyện làm chủ đầu tư, theo đánh giá của chúng tôi, tiến độ triển khai dự án còn chậm. Đến thời điểm này, quy hoạch tuy đã được duyệt rồi và dự án cũng được triển khai rồi nhưng chưa làm được gì lớn, dù trong kế hoạch nêu rõ chỉ tiêu cho các năm 2007, 2008, 2009”.

Chưa được phát huy ưu thế du lịch

Cả nước hiện có đến hơn 2.000 làng nghề, song theo nhận định, số làng nghề được chọn là điểm dừng chân cho khách du lịch còn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Bắc Ninh là một trong những tỉnh có lượng làng nghề tập trung nhiều nhất nhì cả nước.

Nhiều làng nghề của Bắc Ninh như: gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ... đã có từ lâu đời và nổi tiếng trong và ngoài nước. Hệ thống làng nghề của tỉnh có mật độ lớn, nằm dọc các trục đường giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử văn hóa, lễ hội nên rất thuận lợi cho công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng những tour, tuyến du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn.

Hà Nội hiện cũng có đến trên 1.000 làng có nghề. Trong đó, nhiều làng nghề hình thành từ lâu đời, nổi tiếng trong và ngoài nước, đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến và trở thành những địa điểm của ngành du lịch: Lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, mộc Chàng Sơn, rèn Đa Sỹ, đúc đồng Ngũ Xã...

Các làng nghề trên địa bàn Hà Nội có mật độ lớn, nằm dọc các trục đường giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử văn hóa, lễ hội nên rất thuận lợi cho các công ty du lịch lữ hành đầu tư, xây dựng những tour, tuyến du lịch. Thời gian qua, nhiều công ty du lịch lữ hành của Hà Nội và các tỉnh bạn đã triển khai các tour đưa du khách đến tham quan các điểm du lịch làng nghề nổi tiếng.

Hạ tầng là yếu tố hàng đầu

Ông Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, mặc dù phát triển du lịch làng nghề được ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam nhưng chúng ta vẫn còn ít kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị làng nghề truyền thống, văn hóa cư dân bản địa. Điểm chung của các làng nghề là thường nằm ở trung tâm hoặc gần đô thị lớn, trục giao thông đường bộ, đường sông, do đó rất thuận tiện cho việc xây dựng tuyến du lịch làng nghề.

Một số tỉnh, thành phố đang triển khai mạnh loại hình du lịch này nhưng hiệu quả còn chưa cao. Những làng nghề đã thu hút nhiều du khách như làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mộc Đồng Kỵ, tranh Đông Hồ, đá Non Nước... lại chỉ mang tính tự phát. Nguyên nhân chính là các ban, ngành liên quan thiếu sự phối hợp cần thiết trong xây dựng, quy hoạch du lịch làng nghề.

Xung quanh vấn đề này, bà Loan cũng cho rằng, điểm yếu để phát triển làng nghề gắn với du lịch là hầu hết các làng nghề hiện nay cơ sở hạ tầng, giao thông còn kém phát triển. Bên cạnh đó, khâu tiếp thị rồi hướng dẫn viên tại các làng nghề còn thiếu lại yếu, người dân làng nghề cũng chưa có đầy đủ kiến thức về cách thức phục vụ khách du lịch... Mặt khác, hiện công tác du lịch chủ yếu là cắt ngọn, chưa có định hướng cụ thể, chưa có tính chuyên môn cao.

Để phát triển làng nghề gắn với du lịch có tính xã hội hóa cao, yếu tố hạ tầng cơ sở, giao thông chiếm vị trí rất quan trọng. Theo bà Trịnh Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, Sở Công nghiệp, cần đẩy mạnh thực hiện theo đúng quy hoạch, cái nào xã hội hóa thì đưa vào xã hội hóa, cái nào Nhà nước hỗ trợ thì đưa vào hỗ trợ. “Hạ tầng phát triển được mới giúp du lịch và các dịch vụ khác phát triển. Thêm vào đó, ngành du lịch phải hình thành một hệ thống tour có điểm đỗ tại các làng nghề. Nếu không, hạ tầng kém, các chương trình quy hoạch tiến độ chậm sẽ ảnh hưởng đến phát triển của làng nghề” - bà Loan cho biết.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phê duyệt thêm 6 dự án làng nghề gắn với du lịch. Song, theo ông Nguyễn Phương Thảo - Phó Trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, với các điều kiện hiện nay, người dân làng nghề mới chỉ làm nghề, phải làm sao cho người dân hiểu ngoài làm nghề phải biết làm thương mại, gắn với du lịch.

 “Mấu chốt phải có sự xã hội hóa, tức Nhà nước chỉ đưa ra các cơ chế chính sách, lập ra quy hoạch hoặc có thể hỗ trợ một phần kinh phí các dự án trọng điểm, còn lại phải kêu gọi nhà đầu tư và kinh phí từ làng nghề, như vậy mới đưa được dự án thành hiện thực và phát huy hiệu quả” - ông Thảo nhấn mạnh.

Ngân Tuyền