Dự báo vẫn “hụt hơi” chạy theo bão lũ

ANTĐ - Trong khi diễn biến mưa bão ngày càng phức tạp với những hậu quả vô cùng nặng nề, thì công tác dự báo vẫn còn nhiều bất cập. Nhất là tại các đài dự báo khu vực, không những máy móc kém mà trình độ cán bộ cũng không thể tiếp nhận công nghệ hiện đại hơn.

Thiên tai đã khó dự báo mà đội ngũ dự báo viên còn yếu kém


Không làm chủ được công nghệ

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn năm nay có những dấu hiệu hết sức bất thường. Bão sớm trong tháng 3, đổ bộ vào khu vực Nam bộ, nắng nóng vượt mức lịch sử cùng thời kỳ ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ diễn ra trong tháng 5. Hiện tại, cả nước chuẩn bị bước vào một mùa mưa bão đầy bất thường, với số lượng cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam từ 6-7 cơn, cao hơn so với nhiều năm. Kéo theo đó, lượng mưa tại các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ cũng đạt mức cao hơn. Tình trạng lũ cục bộ, lũ lớn trên một số sông ở khu vực miền Trung có thể vượt mức BĐIII, vượt mức cao nhất của trung bình nhiều năm. 

Cùng chung nhận định này, ông Trần Hồng Thái, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&MT - Bộ TN&MT cho biết, thời tiết nước ta từ đầu năm tới nay do chịu ảnh hưởng của La Nina khiến nền nhiệt hạ thấp, cũng là nguyên nhân gây ra những trận mưa kéo dài thời gian qua. Sang khoảng từ tháng 6 tới tháng 8, ENSO thiết lập trở lại, lũ quét xảy ra nhiều hơn ở một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An, không loại trừ những trận lũ quét gây hậu quả nặng nề như năm 2011. Về cuối năm, El Nino sẽ tác động làm cho diễn biến thời tiết, trong đó  mưa bão sẽ khó dự báo hơn rất nhiều. 

Trong khi bão lũ được dự báo sẽ có những bất thường, khó dự báo thì hệ thống máy móc, công nghệ cũng như con người của ngành thủy văn lại đang rơi vào thế yếu kém. Đại diện Đài dự báo KTTV khu vực Nam bộ phản ánh, dù đã được đầu tư, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị dự báo, nhưng do trình độ dự báo cũng đòi hỏi ở mức cao, nên con người chưa thể đáp ứng được. “Cần phải đào tạo thêm và đào tạo lại đội ngũ dự báo viên”, là quan điểm của Giám đốc Đài dự báo KTTV Nam bộ.

Radar quan trắc phập phù

Thêm một nỗi lo mỗi khi mùa bão lũ đến, khu vực miền Trung sông ngòi ngắn, dốc, khi không có các hồ lớn có chức năng cắt lũ thì lại quá nhiều các hồ thủy điện trung và nhỏ, gây khó khăn cho dự báo và phòng chống lũ. Đại diện Đài dự báo KTTV khu vực miền Trung cho rằng, quá nhiều hồ thủy điện không có chức năng cắt lũ, nhưng xả lũ lại không đồng bộ, gây khó khăn cho dự báo lũ trên các sông. Dòng chảy trên các sông ở khu vực này dưới tác động của thủy điện cũng đã bị thay đổi. Giám đốc Đài dự báo KTTV Bắc Trung bộ nhìn nhận, đến nay, đài vẫn không thể bóc tách được bản tin dự báo khí tượng thủy văn cho khu vực mình, vì cán bộ phần thì quá già, phần lại quá trẻ, không thể tiếp thu được công nghệ thông tin. Bởi vậy, tất cả các thông tin về dự báo mỗi khi có lũ, bão, thời tiết xấu đều cập nhật từ các cuộc giao ban của BCĐ PCLB Trung ương và bản tin của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương!

Để đáp ứng yêu cầu thu thập số liệu cao không, cả nước đã đầu tư trang bị 7 trạm quan trắc radar, trong đó 4 trạm đặt tại miền Bắc, 3 trạm đặt tại các tỉnh phía Nam. Song, hiện nay việc truyền dữ liệu từ các radar về Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương lại khá “phập phù”. “Trạm radar ở Hải Phòng nhiều khi không có số liệu truyền về. Trạm ở Nha Trang (Khánh Hòa) lại chỉ hoạt động khi có bão”, ông Bùi Minh Tăng cho biết. Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, cần phải đổi mới công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tổng thể về công nghệ thu thập số liệu quan trắc, quy trình thông tin, truyền tải dữ liệu cũng như độ chính xác trong dự báo thiên tai. Đặc biệt, hệ thống các đài khí tượng cao không cần phải xem lại quy trình vận hành các trạm radar, đảm bảo thông tin phải truyền về được trung tâm để xử lý số liệu, giúp dự báo bão lũ chính xác, tránh tình trạng gây lãng phí và bất cập như hiện nay.