Dự báo thời tiết: Mưa lớn tiếp tục trút xuống Bắc bộ, nước sông Bùi về báo động 3

ANTD.VN - Từ đêm nay, 3-8, các tỉnh Bắc bộ có mưa, mưa vừa; khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông. 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, hiện nay, rãnh áp thấp có trục vào khoảng 21-23 độ vĩ Bắc, nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc bộ.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc bộ có xu hướng phát triển mạnh, từ đêm nay các tỉnh Bắc bộ có mưa, mưa vừa; khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông.

Các tỉnh, thành phố ở Bắc bộ đề phòng mưa lớn gây ngập, lụt trở lại

Trong cơn giông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Đợt mưa lớn ở Bắc bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 5-8. Khu vực Hà Nội có mưa, mưa rào; từ đêm nay đến ngày 5-8 có mưa vừa, có nơi mưa to và giông.

Nước sông Bùi (Hà Nội) xuống mức báo động 3

Trong một diễn biến khác, UBND huyện Chương Mỹ  thông tin, đến 7h sáng nay, mực nước sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội  ở mức 7,00m ở mức BĐ 3. Đại diện UBND huyện Chương Mỹ thông tin, vào chiều qua, 2-8, mực nước sông Bùi tăng nhẹ lên 3cm, sau đó về chiều tối lại bắt đầu rút.

Trong ngày hôm nay, 3-8, dự báo mực nước sông Bùi sẽ tiếp tục rút chậm. Tuy nhiên, huyện Chương Mỹ vẫn huy động các lực lượng trên địa bàn ứng trực 24/24h tại các vị trí đê xung yếu, bên cạnh đó là tập trung lực lượng hỗ trợ, khắc phục cuộc sống cho bà con trên địa bàn.

Liên quan đến tình trạng úng ngập nặng nề trên địa bàn huyện Chương Mỹ, là người trực tiếp đi kiểm tra, nắm tình hình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, cơ sở hạ tầng lấn sông, làm giảm khả năng thoát lũ của sông Bùi ở Chương Mỹ.

Cụ thể, trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước.

“Sông Bùi đổ ra sông Tích, sông Tích dẫn ra sông Đáy. Do vậy, khả năng thoát nước sông Bùi phụ thuộc vào khả năng thoát nước của sông Đáy. Tuy nhiên, sông Đáy là đổ ra sông Hồng qua sông Đào, sông Đáy còn đổ ra sông Hoàng Long (Ninh Bình).

Có thể đợt lũ hôm qua do lũ ở ven đường Hồ Chí Minh đổ xuống, đổ ra các sông qua Ninh Bình và đổ ra sông Đáy. Chúng tôi cho rằng, một phần lũ ở sông Hoàng Long dâng cao nên cửa thoát của sông Đáy bị hạn chế”, ông Thắng nhìn nhận.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, qua đợt ngập úng này, thành phố Hà Nội cần tiếp tục củng cố lại hệ thống hạ tầng thoát lũ; nhận dạng lại những nơi trũng thấp, những nơi đê thấp để củng cố lại.

Đặc biệt, cần kiểm tra lại hướng thoát lũ, những chỗ gây cản trở dòng chảy và phải lồng ghép phòng chống thiên tai vào hoạt động quản lý đất, xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ.

6.000 tỷ đồng bị thiên tai cuốn trôi trong 7 tháng

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông tin, từ đầu năm 2018 đến hết tháng 7, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của với tổng thiệt hại kinh tế lên tới gần 6.000 tỷ đồng.

Cụ thể về người đã có 112 người chết và mất tích, 81 người bị thương. Về nhà có 929 nhà bị đổ, sập và 27.819 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và 19.322 nhà bị ngập nước.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, có tới 182.018 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 13.405 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 21.607 con gia súc và 227.750 con gia cầm bị chết; hơn 8.321 ha thủy sản bị ngập, thiệt hại...