Dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội có thể rơi vào tháng 9 đến tháng 10-2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội đang gia tăng nhanh, nhiều quận huyện đã phát động triển khai chiến dịch cao điểm phòng chống dịch, đồng thời kêu gọi người dân không chủ quan…
Phun hóa chất phòng SXH tại ổ dịch ở huyện Thạch Thất
Phun hóa chất phòng SXH tại ổ dịch ở huyện Thạch Thất

Là địa phương có số mắc SXH nhiều nhất trên toàn thành phố Hà Nội, tính đến cuối tuần qua, huyện Thạch Thất ghi nhận gần 600 ca mắc tại 16 xã, thị trấn,. Các xã có số mắc SXH cao là Phùng Xá (344 ca), Hữu Bằng (190 ca) và Dị Nậu (29 ca)…

Đáng chú ý, qua giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véc tơ của Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất tại khu vực ổ dịch tại xã Phùng Xá, Hữu Bằng, Dị Nậu cho thấy, chỉ số BI luôn ở mức cao.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, huyện Thạch Thất thực hiện 27 đợt phun hóa chất tại các khu vực ổ dịch, cụ thể: Phùng Xá: 15 đợt, Hữu Bằng: 05 đợt, Thôn 1- Canh Nậu: 02 đợt, Dị Nậu: 04 đợt, Phú Thụ - Lại Thượng: 01 đợt...

TTYT huyện Thạch Thất đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch trên hệ thống loa, đài truyền thanh từ tuyến huyện đến các xã, thị trấn; truyền thông lưu động; in tờ rơi cấp phát tới các hộ gia đình; tuyên truyền trên các trang mạng xã hội…

Tại huyện Thường Tín, tính đến cuối tuần trước ghi nhận gần 200 ca mắc SXH, trong đó có 4 ổ dịch đang hoạt động. Chỉ riêng trong 3 tuần gần đây ghi nhận 92 ca bệnh SXH tập trung ở xã Văn Tự, Tô Hiệu, Vạn Điểm...

Giám sát dịch SXH ở huyện Thường Tín

Giám sát dịch SXH ở huyện Thường Tín

Đáng lo ngại là mặc dù số ca bệnh lại tăng nhanh trong những tuần gần đây nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ, chủ quan, thể hiện rất rõ qua việc người dân chưa có ý thức thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại hộ gia đình. Qua công tác giám sát, đánh giá của Trung tâm Y tế huyện Thường Tín phát hiện nhiều xã, thị trấn có chỉ số bọ gậy cũng như là muỗi truyền bệnh SXH rất cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, một mặt huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền bằng cách đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền trực tiếp bằng loa kéo di động trong khoảng thời gian sáng sớm, chiều tối khi người dân ở nhà…

Mặt khác, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch SXH, bởi biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng muỗi đốt.

Cơ quan chức năng kêu gọi người dân cần phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Tại quận Long Biên, tính đến ngày 15-8, trên địa bàn quận ghi nhận 64 trường hợp mắc SXH, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022 (39 ca mắc); 01 ổ dịch tại tổ 6 phường Bồ Đề với 9 bệnh nhân và hiện ổ dịch vẫn đang hoạt động.

Quận Long Biên đã phát động triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống SXH đợt 2 năm 2023 với sự tham gia của hơn 4.400 người. Chiến dịch này sẽ đảm bảo duy trì thường xuyên hàng tuần từ giữa tháng 8 cho đến hết tháng 10-2023…

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến cuối tuần trước (ngày 18-8), toàn thành phố ghi nhận gần 3.600 trường hợp mắc SXH tại tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Số mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (753 ca mắc, không có ca tử vong).

Qua kết quả kiểm tra, giám sát của ngành y tế cho thấy về cơ bản dịch SXH không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu tại các địa bàn, để sót nhiều ổ bọ gậy, chỉ số bọ gậy sau xử lý đều cao vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến lây lan, bùng phát kéo dài.

Dự báo đỉnh dịch năm 2023 có thể rơi vào khoảng tháng 9 - tháng 10 tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân.