- Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Phát triển năng lực người khuyết tật Việt Nam: "Địa chỉ đỏ" cho người yếu thế
- Tháo gỡ vướng mắc trong giảng dạy văn hóa trường nghệ thuật, trường nghề trước 20/11
- Các trường nghề sẽ không tăng học phí trong năm học 2022-2023
![]() |
Dự án đã cung cấp các khóa học về kỹ năng mềm và hỗ trợ kết nối việc làm cho 5.257 thanh niên |
Dự án “Tự tin Lập nghiệp” của trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội và Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp triển khai thực hiện từ tháng 10/2020 đến tháng 12/2022 với mục tiêu cung cấp một giải pháp đào tạo nghề ngắn hạn và kỹ năng mềm có định hướng thị trường nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Việt Nam do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng khoảng kinh tế gây ra.
Sau hai năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó phải kể đến: Dự án đã hỗ trợ 1.210 thanh niên (63% là nữ) được đào tạo nghề và trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết và được giúp đỡ tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu thời kỳ hậu Covid-19.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã cung cấp các khóa học về kỹ năng mềm và hỗ trợ kết nối việc làm cho 5.257 thanh niên, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác dạy và học thông qua việc thí điểm 03 mô-đun học trực tuyến trên nền tảng Yes!Academy, tổ chức 08 sự kiện kết nối việc làm ở các quy mô khác nhau
Ông Lê Minh Thảo-Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng những dự án như thế này thường tập trung vào nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội mà bằng nguồn lực của nhà nước vẫn chưa thể hỗ trợ nhiều (ví dụ cấp học bổng, hỗ trợ như thanh niên vùng dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, người khuyết tật v.v..).
Dự án là cơ hội cho các tổ chức phi chính phủ mang những kinh nghiệm nước ngoài về thí điểm triển khai ở trong nước. Trên cơ sở những kinh nghiệm thành công của các thử nghiệm này, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tham khảo, từ đó có những điều chỉnh và đưa vào các chính sách có liên quan để giúp lan tỏa, nhân rộng.
Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Từ trước đến nay, tỷ lệ nam sinh viên của nhà trường khá cao, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ngành học về công nghiệp, cơ khí, điện tử; bên cạnh đó là quan điểm, định kiến xã hội cũng thường mặc định đây là những ngành không dành cho nữ giới.
Là một nữ lãnh đạo của nhà trường, tôi thấy điều này cần phải thay đổi, cần có những hành động thiết thực để tăng cường cơ hội học nghề cho cả các bạn nữ thanh niên được học tập và phát triển trong trường. Dự án này là một cơ hội tuyệt vời, như một đòn bẩy giúp tôi và nhà trường hiện thực hóa mong muốn này.”
Đại diện cho các bạn học viên hưởng lợi từ dự án, em Đ.T. Bích - học viên khóa ngắn hạn, nghề Chăm sóc sắc đẹp khoa Trung cấp và Sư phạm Dạy nghề, cho biết: “Các lớp ngắn hạn đã trang bị cho chúng em các kiến thức và kỹ năng nghề, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, qua đó có được sự tự tin hơn trong cuộc sống, có được nhiều sự lựa chọn tốt hơn trong quá trình tìm việc, và có một công việc với thu nhập ổn định”.