Đông Nam Á nỗ lực ngăn chặn nạn tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị “Thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á” vừa diễn ra tại Thái Lan theo hình thức trực tiếp và trực tuyến một lần nữa nhấn mạnh tác hại của tham nhũng cũng như nhu cầu hợp tác quốc tế để ngăn chặn vấn nạn toàn cầu này.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long phát biểu tại hội nghị

Hiểm họa từ “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”

Hội nghị có mục tiêu tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng phức tạp trên tinh thần Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC); xây dựng và phát triển mối quan hệ đối tác và tạo ra một diễn đàn khu vực nhằm tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật.

Trong khuôn khổ của hội nghị, đã diễn ra 3 phiên thảo luận cao cấp là: Tham nhũng, thách thức và thực tiễn; các yếu tố đảm bảo thành công trong khu vực và quốc tế; xử lý tham nhũng, bài học từ các khu vực khác và cách tiếp cận chiến lược từ góc nhìn của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC).

Tham nhũng là một phạm trù lịch sử. Nó xuất hiện ngay khi có sự phân chia giai cấp và sự hình thành Nhà nước và xuất hiện ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Nguồn gốc của tham nhũng là kết quả từ sự kết hợp của quyền lực Nhà nước với lòng tham của con người; là sự lạm dụng, tha hóa quyền lực của người có chức, có quyền. Nó là hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo, xã hội mất dân chủ, không minh bạch và đạo đức xã hội xuống cấp.

Được coi là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”, tham nhũng xảy ra trên mọi lĩnh vực, trở thành vấn nạn trên toàn thế giới, gây cản trở lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và cũng là nguyên nhân gây ra nghèo đói với nhiều dân tộc. Theo nghiên cứu của Tổ chức minh bạch quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB), hàng năm trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Chỉ riêng ở châu Phi, hàng năm có khoảng 148 tỷ USD đã bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng, tương đương với 1/2 khoản nợ nước ngoài của lục địa này.

Chính vì vậy, các nước trên thế giới đều ra sức phòng, chống tham nhũng. Tháng 12-2003, đại diện hơn 120 nước trên thế giới đã họp tại Mexico để thông qua Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC). Hiện nay, đã có hơn 110 nước, trong đó có Việt Nam, đã ký công ước này. LHQ còn thống nhất lấy ngày 9-12 hàng năm là Ngày Quốc tế chống tham nhũng. Để đánh giá mức độ tham nhũng của các nước trên thế giới, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã đưa ra chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) và công bố hàng năm.

Trên tinh thần Công ước LHQ về chống tham nhũng, Hội nghị “Thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á” đã đề ra mục tiêu tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng phức tạp, liên quan đến nhiều nền tài phán; xem xét mối liên hệ giữa tham nhũng và tội phạm tổ chức xuyên quốc gia; tăng cường cơ sở pháp lý và thể chế về thu hồi tài sản bị đánh cắp; xây dựng và phát triển mối quan hệ đối tác và tạo ra một diễn đàn khu vực nhằm tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật.

Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam có bước đột phá

Tham dự “Hội nghị thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á”, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long dẫn đầu cùng đại diện Thanh tra Chính phủ và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đã phát biểu tại phiên thảo luận, chia sẻ những kết quả đạt được và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, việc tham gia Công ước LHQ về chống tham nhũng rất sớm (19-8-2009) đã khẳng định quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng. Sau 13 năm tham gia, Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện Công ước, từng bước đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao nhận thức, tăng cường trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin và tham gia hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Công ước.

Trong những năm gần đây, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, ngày càng đi vào chiều sâu; đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện và rõ rệt và đã được người dân, dư luận cả nước đồng tình, ủng hộ, góp phần nâng cao uy tín và sự chỉ đạo, điều hành của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

Trước hết, để hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2 nghìn nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hàng năm có xu hướng giảm dần. Kết quả từ năm 2011 đến tháng 6-2022, Bộ Công an đã khởi tố điều tra gần 3.000 vụ án với hơn 6.000 bị can phạm tội về tham nhũng; đã thu hồi, kê biên, phong tỏa tiền và các loại tài sản trị giá khoảng 23.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2 nghìn văn bản pháp luật.

Việt Nam cũng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng. Đến nay, Việt Nam đã trao đổi, ký kết 23 hiệp định tương trợ tư pháp và 9 bản ghi nhớ về trao đổi thông tin về rửa tiền, phòng chống khủng bố; hợp tác trực tiếp với cơ quan thực thi pháp luật một số nước trong điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, truy bắt đối tượng tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài. Trong khuôn khổ khu vực, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò là Chủ tịch Nhóm các cơ quan phòng, chống tham nhũng ASEAN (ASEAN-PAC) từ tháng 12-2020 đến tháng 11-2021.