Đồng lương hưu sẽ hao hụt

ANTĐ - Trong dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) do Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự kiến sẽ trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới đây và thông qua vào kỳ họp thứ 8, lương hưu của cán bộ, viên chức Nhà nước, công chức tham gia BHXH từ ngày 1-1-2015 sẽ thay đổi cách tính. Cụ thể, thay vì tính bình quân 10 năm trước khi nghỉ hưu như hiện nay sẽ chung cách tính lương hưu theo bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH giống như đối với người lao động khu vực ngoài Nhà nước.

Công chức, viên chức thường có thời gian làm việc 20-30 năm, trong đó những năm đầu, lương tương đối thấp nên nếu phải tính lương hưu theo bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH thì lương hưu sẽ giảm khá mạnh. Khi mà lương tối thiểu chung áp dụng cho khu vực Nhà nước đang tăng với mức khoảng 10%-15% mỗi năm như hiện nay, người lao động khu vực Nhà nước sẽ được hưởng lương hưu ở mức tạm chấp nhận được. Nhưng tới đây, nếu thực hiện việc thay đổi cách tính lương hưu theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi thì lương hưu vốn ít ỏi của công chức, viên chức có nguy cơ hao hụt đi. Khoản lương hưu hiện chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của đa số công chức, viên chức sau khi nghỉ hưu, nếu phải giảm đi, cuộc sống hưu trí chắc chắn trở nên khó khăn hơn khi vật giá ngày càng đắt đỏ. Nếu người về hưu không có một ít “của để dành” hay không kiếm được công việc làm thêm thì có nguy cơ phải chạy ăn từng bữa.

Dù cho đến nay đóng BHXH thấp hơn khu vực ngoài Nhà nước, nhưng lương khởi điểm của công chức, viên chức và người lao động ngoài Nhà nước có mức chênh lệch khá cao, nên mới có việc tính lương hưu theo bình quân 10 năm trước khi nghỉ. Để công bằng, lương khởi điểm của người lao động trong và ngoài Nhà nước phải tương đương nhau để một khi đã đóng như thế nào, hưởng như thế đó. Bằng không sẽ có chuyện “chảy máu chất xám hay nhân lực” từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân. Chưa tính đến việc đồng tiền từ năm 2015 về sau có ổn định không hay vẫn trượt giá như bây giờ. Sau 20-30 năm, tiền trượt giá mà BHXH lại lấy mức tính bình quân đóng bảo hiểm của mấy chục năm đó để trả lương hưu là không hợp lý, làm khó cho cuộc sống người công chức, viên chức nghỉ hưu. 

Thực tế, đang có nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí. Tỉ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động có xu hướng tăng mạnh. Từ nhiều nguyên nhân khác nhau, số thu BHXH cho lương hưu sẽ bằng số chi ra vào năm 2023 nếu cứ đóng BHXH và chi lương hưu như hiện nay. Từ sau năm 2023, muốn chi lương hưu phải sử dụng số dư kết từ nguồn thu BHXH của những năm trước. Đến khoảng năm 2034, nguồn quỹ cũng sẽ hết, không còn tiền để chi lương hưu! Bởi vậy, thay đổi cách tính lương hưu công chức, viên chức có thể là một giải pháp giảm nhẹ bớt áp lực lên quỹ lương hưu. 

Cách tính lương hưu mới cho công chức, viên chức sẽ được đưa ra bàn thảo, quyết định tại Quốc hội, chắc chắn sẽ có những ý kiến, quan điểm khác nhau. Song để có thể giải quyết vấn đề quỹ lương hưu một cách căn cơ, thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm bình đẳng trong thụ hưởng chế độ giữa các đối tượng tham gia, góp phần cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn thì cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó phải tính đến việc nâng cao độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Cũng đáng bàn là quỹ lương hưu là quỹ đầu tư. Người lao động đóng bảo hiểm hưu trí, cơ quan thu phải tính đầu tư chứ không phải là tiền “chết”, để rồi cạn kiệt nguồn chi.