Đóng góp quan trọng lực lượng Công an nhân dân chi viện chiến trường miền Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Nhân dịp Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng Công an nhân dân (CAND) chi viện chiến trường miền Nam, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn về những cống hiến, đóng góp, chiến công tiêu biểu của lực lượng CAND, đặc biệt là lực lượng Công an chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Báo ANTĐ trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Bộ trưởng.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Bộ Công an về việc chủ động chi viện cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước?

Bộ trưởng Tô Lâm: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng CAND tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng: Vừa đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường miền Nam. Chấp hành chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, quyết định của công tác cán bộ, tính chất phức tạp, lâu dài của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, Đảng đoàn Bộ Công an xác định, chi viện cho chiến trường miền Nam là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản của lực lượng CAND và đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bộ trưởng Tô Lâm cùng các cán bộ Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Bộ trưởng Tô Lâm cùng các cán bộ Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Từ năm 1955 - 1975, công tác chi viện cho chiến trường miền Nam liên tục có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ kháng chiến; Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị xây dựng lực lượng lần thứ ba nhằm “chủ động chuẩn bị cán bộ có chất lượng để cung cấp cho chiến trường miền Nam và nhu cầu khác” (1). Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 22 (năm 1968) đã xác định “…chi viện tốt cho An ninh miền Nam, bảo đảm yêu cầu trước mắt, đáp ứng khi tình hình có chuyển biến lớn; ra sức bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, cải tiến công tác tổ chức, lề lối làm việc…” (2). Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 29 (năm 1974) đã dành nhiều thời gian bàn về công tác chi viện, nhấn mạnh: “Khẩn trương tập trung bồi dưỡng cán bộ chi viện cho An ninh miền Nam… phương hướng chung là chọn cán bộ có cấp hàm và tương đương thượng sỹ trở lên, cấp tốc bồi dưỡng tại chức và tại trường những kiến thức cần thiết về tình hình miền Nam, các tổ chức địch, ngụy, các mặt công tác nghiệp vụ thiết thực” (3). Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Bộ Công an thời kỳ này thể hiện sự nhạy bén cao về chính trị và tầm nhìn chiến lược, do đó đã dự liệu từ trước các kế hoạch, biện pháp đấu tranh và bố trí cán bộ tốt nhất vào chiến trường miền Nam, đảm bảo chủ động, hiệu quả, kịp thời.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam đã được thực hiện như thế nào?

Bộ trưởng Tô Lâm: Để thực hiện nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, ngay từ đầu năm 1955, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thành lập Tổ cán bộ miền Nam (đến năm 1957 đổi tên thành Bộ phận cán bộ miền Nam) chuyên trách việc chuẩn bị cán bộ chi viện An ninh miền Nam. Trong các năm 1962, 1966, 1967, 1971, Bộ Công an đã lần lượt thành lập Tổ 15 (sau gọi là B90), Ban nghiên cứu miền Nam, Phòng theo dõi tình hình miền Nam, Trường đào tạo cán bộ An ninh miền Nam (E1171) để lựa chọn, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam; theo dõi nắm tình hình địch, nghiên cứu các vấn đề về đường lối công tác an ninh miền Nam, báo cáo Trung ương Đảng, Đảng đoàn Bộ Công an để có những quyết sách kịp thời.

Để có đủ cán bộ thường xuyên chi viện chiến trường, nhất là các chiến dịch lớn, Bộ Công an thường xuyên, chủ động tìm nguồn cán bộ dự trữ không chỉ ở Công an các đơn vị, địa phương, không chỉ chú ý động viên tất cả cán bộ quê ở miền Nam tự nguyện trở về miền Nam chiến đấu, mà còn phối hợp với các ngành, nhất là Quân đội, tuyển chọn hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ để đào tạo chính trị và nghiệp vụ Công an, sẵn sàng vào Nam chiến đấu. Mặc dù số lượng lớn, yêu cầu rất khẩn trương nhưng cán bộ Công an chi viện miền Nam được chuẩn bị kỹ lưỡng, đào tạo bài bản, đặc biệt luôn là những đồng chí có bản lĩnh chính trị, lập trường vững vàng, quyết tâm sắt đá, năng lực nghiệp vụ cao.

Với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến lớn”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” và quyết tâm cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, từ năm 1959 đến tháng 4/1975, Bộ Công an đã huy động đến mức cao nhất về lực lượng, hậu cần - kỹ thuật, chi viện hàng vạn cán bộ, chiến sĩ; hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, phương tiện liên lạc, kỹ thuật nghiệp vụ, thuốc men… cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những cống hiến, đóng góp, chiến công tiêu biểu của lực lượng CAND, đặc biệt là lực lượng Công an chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước?

Bộ trưởng Tô Lâm: Trong hoàn cảnh chiến trường vô cùng ác liệt, nhiệm vụ được giao vô cùng khó khăn, nhưng các đồng chí cán bộ Công an chi viện đã không quản hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng đồng chí, đồng bào xây dựng lực lượng chính trị, phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, diệt ác, trừ gian, bảo vệ căn cứ cách mạng; làm trong sạch địa bàn, bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, cơ sở của địch, bảo vệ an toàn các cơ quan của Đảng, căn cứ cách mạng, bảo vệ lực lượng vũ trang, các trận địa, mục tiêu, cơ sở kinh tế, quốc phòng; kiên cường chiến đấu, dũng cảm hy sinh, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng vào những chiến công, thành tích chung của lực lượng CAND trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẻ vang của dân tộc. Trong đó có nhiều đơn vị tiêu biểu như: Đơn vị An ninh vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam (Đoàn 180) đã tham gia chiến đấu hơn 400 trận, tiêu diệt và làm bị thương hơn 4.700 tên địch; bắn rơi và bắn cháy 30 máy bay; bắn cháy và phá hỏng 76 xe tăng, xe bọc thép; Phân đội An ninh vũ trang Sài Gòn - Gia Định (T4) có 12 chiến sỹ đã chiến đấu kiên cường, bất khuất trong suốt 05 ngày đêm và hy sinh anh dũng để bảo vệ Bộ Tư lệnh tiền phương II thoát khỏi vòng vây của địch trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968; các tổ Tình báo hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định, Nam Trung Bộ, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị đã sát cánh cùng các lực lượng An ninh nắm tình hình, âm mưu địch, tiếp cận nhóm Dương Văn Minh, nhóm Trần Văn Hương, Trung tâm đào tạo gián điệp, biệt kích ngụy, qua đó nắm tình hình địch ở miền Nam, chủ động đối phó với hoạt động gián điệp biệt kích của Mỹ và chính quyền Sài Gòn tung ra miền Bắc. Trong giờ phút sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), nguyên Trưởng Ban An ninh đặc khu Sài Gòn - Gia Định (T4) đã phái điệp viên tiếp cận và tác động Dương Văn Minh sớm đầu hàng cách mạng, tránh được nhiều tổn thất, thiệt hại.

Trong cuộc kháng chiến đầy khó khăn, nguy hiểm, ác liệt này, có hơn 900 đồng chí cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam đã hy sinh anh dũng; nhiều đồng chí bị bắt, bị giam cầm, bị tra tấn dã man trong các nhà lao của địch, nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng; hàng trăm đồng chí bị thương tật, nhiễm chất độc da cam..., những cống hiến, hy sinh của các đồng chí đã góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND.

Phóng viên: Trong thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước, lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam đã phát huy truyền thống vẻ vang và tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Tô Lâm: Hòa bình lập lại, lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam được điều động về các đơn vị trong cả nước, tiếp tục công tác, có nhiều cống hiến quan trọng cho đất nước. Nhiều đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng, giao đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như: Đồng chí Bùi Thiện Ngộ (Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an); đồng chí Trần Quốc Hương (Trưởng ban Nội chính Trung ương) - cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo chiến lược như Lê Hữu Thuý, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn; đồng chí Nguyễn Tài (Thứ trưởng Bộ Công an)- được mệnh danh là người “kiên trung bảo vệ cách mạng trong nhà tù của địch”...

Phát huy bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND, các đồng chí cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam luôn sẵn sàng xả thân, không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân, luôn là những người chiến sĩ kiên trung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, các đồng chí đã duy trì hoạt động Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam; tổ chức các hoạt động truyền thống, nghĩa tình thường niên trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn cách mạng mới, tô thắm truyền thống anh hùng, lịch sử vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về những thành tích, chiến công của lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước?

Bộ trưởng Tô Lâm: Những thành tích, chiến công của các thế hệ cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; trong đó, có những chiến công, đóng góp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đã có 11 đơn vị mà cán bộ Công an chi viện là nòng cốt được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 21 đồng chí được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều đồng chí được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công và đặc biệt là Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng- phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước. Những tấm gương tiêu biểu của lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam như đồng chí Trần Quốc Hương, Nguyễn Tài và nhiều đồng chí khác mãi mãi là những hình ảnh, những câu chuyện lịch sử hào hùng của thời kỳ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (4).

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam, lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam được Chủ tịch nước quyết định trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng Công an trong suốt cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

--------------------------------------------------------------------------------------------------

(1). Bộ Công an, Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học Công an, Tổng kết lịch sử chi viện An ninh miền Nam của lực lượng CAND thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954-1975), NXB CAND, H-2002, tr. 80.

(2). Đảng ủy Công an Trung ương, 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành - Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ Công an Trung ương giai đoạn 1945-2015, Hà Nội, tháng 10-2015, tr.123.

(3). Bộ Công an, Viện nghiên cứu chiến lược và khoa học Công an, Tổng kết lịch sử chi viện An ninh miền Nam của lực lượng CAND thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954-1975), NXB CAND, H-2002, tr. 156.

(4). Tổng kết lịch sử CAND Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) NXB CAND. Mục tổng hợp số liệu đơn vị, cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ 1954-1975.