Đồng bộ các biện pháp ngăn ngừa, xử lý thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách, gây rối trật tự công cộng, thời gian qua, Công an Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp ngăn chặn. Song, rõ ràng để xử lý triệt để, thì cần sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, trường học và đặc biệt là các bậc cha mẹ có con em trong độ tuổi trên.

Đồng bộ các biện pháp

Trên cơ sở chủ động nhận diện, đánh giá những tình hình có khả năng diễn biến phức tạp đối với loại tội phạm trên, ngày 8-6-2021, Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Chuyên đề 12 “Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội”; giao nhiệm vụ cho Công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc.

Trong quý I-2024, Công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo các cấp xây dựng và triển khai các văn bản tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm trên;

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, công tác giáo dục, quản lý tại xã, phường, thị trấn với các đối tượng đã từng bị xử lý về đua xe trái phép, các thanh thiếu niên có biểu hiện tụ tập, chạy xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng…;

Các lực lượng tăng cường phối hợp, chặn giữ các nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe gây rối trật tự công cộng

Các lực lượng tăng cường phối hợp, chặn giữ các nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe gây rối trật tự công cộng

Tăng cường phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, quản lý, không để học sinh, sinh viên tham gia đua xe hoặc tụ tập, cổ vũ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng;

Ngoài ra, CATP Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên phối hợp với cơ quan báo chí, truyền hình, phát huy các trang mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng với nhiều hình thức, biện pháp phong phú như: tổ chức các buổi tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại các cơ sở giáo dục, khu dân cư;

Thông qua các phương tiện thông tin, mạng xã hội tuyên truyền trên 1000 lượt giáo dục pháp luật, lên án các hành vi đua xe, cổ vũ đua xe, gây rối TTCC… là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của công dân để mọi người dân nắm được thông tin, chủ động phòng ngừa và tố giác tội phạm đạt hiệu quả.

Hiệp đồng tác chiến, ngăn chặn từ sớm, từ xa các nhóm thanh thiếu niên có ý định tụ tập gây rối trật tự công cộng

Hiệp đồng tác chiến, ngăn chặn từ sớm, từ xa các nhóm thanh thiếu niên có ý định tụ tập gây rối trật tự công cộng

Các lực lượng Công an thành phố cũng đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề nổi, tuyến, địa bàn thường xuyên xảy ra tội phạm gây rối trật tự công cộng có liên quan đến đua xe, cổ vũ đua xe, các băng, nhóm đối tượng sử dụng hung khí, điều khiển phương tiện tốc độ cao, đuổi đánh nhau… để có các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Qua công tác điều tra cơ bản, Công an Hà Nội đã rà soát xác định các đối tượng tù tha liên quan đến hành vi gây rối trật tự công cộng và cac đối tượng thanh thiếu niên hư, bỏ học, nghiện game Internet, có biểu hiện tụ tập, quậy phá... để giáo dục, phòng ngừa, đấu tranh.

Đối với số đối tượng chưa có hình thức xử lý, bị xử phạt hành chính, Công an các địa phương đều tiến hành lập hồ sơ theo dõi, tích lũy biểu hiện hoạt động phạm tội, định kỳ gọi hỏi, răn đe đối tượng và yêu cầu gia đình các đối tượng cam kết trách nhiệm trong công tác giáo dục, quản lý con em;

Thường xuyên gọi hỏi, răn đe, yêu cầu các “đối tượng nổi” trên địa bàn cam đoan, cam kết không tổ chức, tham gia đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng để phục vụ công tác phòng ngừa chung;

Các nhóm thanh thiếu niên mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng có tuổi đời còn rất trẻ

Các nhóm thanh thiếu niên mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng có tuổi đời còn rất trẻ

Thường xuyên tổ chức nắm tình hình, rà soát, xác định, lên sơ đồ các tuyến đường, địa bàn thường xảy ra tình trạng đua xe, có khả năng xảy ra tình trạng đua xe, các điểm tụ tập, cổ vũ đua xe trái phép, các tuyến thường xuyên xảy ra tình trạng tụ tập đối tượng sử dụng phương tiện, lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao để có cơ sở phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là các tổ công tác 141, lực lượng tuần tra kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm.

Kết quả rà soát, xác định được hàng chục tuyến đường thuộc địa bàn 16 quận, huyện thường xuyên xảy ra tội phạm đua xe trái phép mang theo hung khí, gây rối TTCC. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Công an các đơn vị đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều nhóm với cả trăm đối tượng thanh thiếu niên mang theo hung khí diễu hành trên đường, không để cho các đối tượng gặp nhau, đánh nhau gây rối trật tự công cộng.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Thông qua công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các nhóm thanh thiếu niên có hành vi gây rối trật tự công cộng, CATP Hà Nội cũng đã chỉ ra một số những khó khăn, trong đó nhấn mạnh mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng với những ảnh hưởng tiêu cực của sự phát triển khoa học cộng nghệ, các nền tảng mạng internet, mạng xã hội đăng tải thông tin không được kiểm duyệt, kích động bạo lực, vi phạm pháp luật... đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có tình hình tội phạm nói chung, tội phạm đua xe, mang theo dao kiếm gây rối trật tự công cộng nói riêng;

Qua công tác đấu tranh xác định 80,6% đối tượng đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố ở nhóm tuổi dưới 18 tuổi. Lứa tuổi này dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo, rủ rê, thích thể hiện bản thân, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, dẫn đến vi phạm pháp luật;

Hà Nội là địa bàn có diện tích rộng lớn, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh, thành phố là những điều kiện thuận lợi để các đối tượng hoạt động phạm tội. Mặt khác,các hành vi đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng đều xảy ra trên tuyến với diễn biến rất nhanh, các đối tượng đi thành đoàn đông, có nhiều hung khí nguy hiểm, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng Công an trong công tác phát hiện, truy bắt, người tham gia giao thông và chính đối tượng vi phạm…

Để xử lý tội phạm này, cần sự chung tay, trách nhiệm của cả cộng đồng

Để xử lý tội phạm này, cần sự chung tay, trách nhiệm của cả cộng đồng

Nhìn vào thực tế, có thể nói, để ngăn chặn, giải quyết tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, điều khiển xe, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng không chỉ có vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an, mà chính là trách nhiệm của cả cộng đồng, đặc biệt là các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các nhà trường và phụ huynh có con em trong độ tuổi này.

Thực tiễn công tác cho thấy, các đối tượng phạm tội đều sử dụng phương tiện xe máy, điều khiển tốc độ cao, lạng lách, đuổi đánh nhau trên đường phố. Nguồn gốc phương tiện các đối tượng sử dụng là của bố mẹ, người thân trong gia đình đối tượng.

“Biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả đối với tội phạm này là tịch thu phương tiện. Tuy nhiên, hiện nay chưa có các quy định, chế tài xử lý đối với các phương tiện sử dụng để phạm tội của đối tượng.

Do đó, Công an Hà Nội đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đưa ra chế tài, quy định cụ thể việc tịch thu phương tiện vi phạm trong các vụ đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng. Nếu chủ phương tiện và người vi phạm có tranh chấp thì sẽ giải quyết tại một vụ án dân sự khác” - Chỉ huy Phòng CSHS, CATP Hà Nội nêu kiến nghị.

Đã đến lúc phải nhìn nhận, đánh giá lại công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên tại địa phương. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý chặt chẽ từ cơ sở, sẽ hạn chế tối đa tình trạng thanh thiếu niên hư, đua đòi, tụ tập gây rối trật tự công cộng.

Hy vọng, các gia đình, nhà trường, đoàn thành niên, hội phụ nữ sẽ phát huy vai trò của mình vào việc nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục ở địa phương; nhân rộng các mô hình việc làm, hướng nghiệp cho giới trẻ, tránh “nhàn cư vi bất thiện”, để thanh thiếu niên được sống, cống hiến và xây dựng, phát triển kinh tế cho Thủ đô.