“Đòn nắn gân” trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ phóng thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong thời gian một năm qua và cũng là vụ phóng thử tên lửa đầu tiên sau khi Tổng thống Donald Trump mãn nhiệm đang được xem như là một “phép thử”, đồng thời cũng là “đòn nắn gân” với tân chính quyền của Tổng thống Joe Biden.
Vụ phóng thử tên lửa ngày 21-3 được xem là phép thử và “đòn nắn gân” của Triều Tiên với chính quyền Tổng thống Joe Biden

Vụ phóng thử tên lửa ngày 21-3 được xem là phép thử và “đòn nắn gân” của Triều Tiên với chính quyền Tổng thống Joe Biden

“Phép thử” nặng ký của Triều Tiên

Dù chỉ là một vụ phóng thử tên lửa hành trình, song vụ thử tên lửa ngoài khơi bờ biển Hoàng Hải ngày 21-3 vừa qua của Triều Tiên đã nhận được sự quan tâm sâu sắc không chỉ dư luận và các quốc gia tại khu vực Đông Bắc Á. Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong thời gian gần một năm qua sau vụ thử tên lửa tầm xa tháng 4-2020 và là vụ thử tên lửa đầu tiên nước Mỹ có chính quyền mới, ông Joe Biden tiếp quản Nhà trắng từ người tiền nhiệm Donald Trump.

Theo xác nhận ngày 24-3 của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), hai tên lửa mà Triều Tiên phóng thử trước đó 3 ngày ở ngoài khơi bờ biển phía Tây (tức biển Hoàng Hải) chỉ là những tên lửa hành trình. Nói cách khác vụ phóng thử tên lửa này hoàn toàn không vi phạm lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi năm 2017 vốn chỉ có hiệu lực đối với tên lửa đạn đạo (ICBM).

Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa ngày 21-3 được giới quan sát cho rằng mang một thông điệp của Triều Tiên muốn gửi tới chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Kể từ khi Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân, song hành với đó là chương trình tên lửa ICBM thì chính sách đối với Triều Tiên luôn là một ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ một chính quyền Mỹ nào và đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay cũng vậy.

Không lâu sau khi chính thức tiếp quản Nhà trắng từ người tiền nhiệm Donald Trump, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xúc tiến việc tiếp cận, lên hệ với Triều Tiên để bàn thảo về mối quan hệ song phương dưới thời chính quyền mới của Mỹ. Cùng với việc rà soát lại chính sách của chính quyền tiền nhiệm với Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn thông qua những cuộc đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng để xác định chính sách đối ngoại với quốc gia nằm trên Bán đảo Triều Tiên này trong nhiệm kỳ 4 năm tới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter khi lên tiếng tại một cuộc họp báo cũng đã xác nhận chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tìm cách liên lạc với Bình Nhưỡng thông qua nhiều kênh, trong đó có phái đoàn của CHDCND Triều Tiên tại Liên hợp quốc. Việc liên lạc này đã bắt đầu từ tháng 2-2021, tức không lâu sau khi ông Joe Biden chính thức tiếp quản Nhà Trắng, song “đến này vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía Bình Nhưỡng”.

Việc Triều Tiên “lặng im” trước những cố gắng liên lạc của chính quyền Tổng thống Joe Biden, theo giới quan sát, cho thấy Bình Nhưỡng vẫn đang tìm hiểu chính sách của chính quyền kế nhiệm Tổng thống Donald Trump. Bằng sự lặng im này, Bình Nhưỡng cũng muốn để tân chính quyền Mỹ thấy rằng không thể xem họ là bên yếu thế khi định hình chính sách đối ngoại trong 4 năm tới.

Vụ phóng thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên sau đúng 2 tháng ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vì thế cũng còn được xem là một “phép thử” nặng ký mà Bình Nhưỡng muốn đưa ra với chính quyền mới ở Washington. Bình Nhưỡng muốn khẳng định rằng họ đã không nhượng bộ sức ép của Washington trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump thì cũng sẽ nhất quyết không lùi bước trước bất kỳ áp lực nào từ chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Thách thức với chính quyền Tổng thống Joe Biden

Hơn 4 năm trước, trong điều chỉnh nhiều chính sách đối ngoại quan trọng sau khi tiếp quản Nhà trắng, Tổng thống Donald Trump đã có cách tiếp cận mới đối với Triều Tiên nhằm giải quyết điểm nóng ở Đông Bắc Á suốt từ sau cuộc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên đầu những năm 1950. Trong đó, “đột phá khẩu” mà chính quyền Tổng thống Donald Trump lựa chọn là “tháo ngòi nổ” của chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên.

Không chỉ gây chấn động bằng cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp diễn ra ở Singapore vào tháng 6-2018 đã đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên. Theo thỏa thuận này, Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi để đối lấy việc bình thường hóa cũng như viện trợ kinh tế từ Mỹ.

Thế nhưng, khi đi vào thực hiện thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên mà ban đầu được đánh giá là lịch sử, Washington và Bình Nhưỡng mới thấy không hề dễ dàng. Cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 2-2019 tại Hà Nội cũng như nhiều cuộc thương lượng, đàm phán giữa hai bên đều không thể hiện thực hóa được thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên do cách tiếp cận và lập trường quá khác biệt trong cách thức, lộ trình phi hạt nhân hóa. Trong khi Triều Tiên muốn có viện trợ kinh tế, bình thường hóa trước khi tiến hành các bước phi hạt nhân hóa thì Washington lại yêu cầu Bình Nhưỡng trước hết phải giải giáp hoàn toàn chương trình hạt nhân một cách có kiểm chứng mới tính tới viện trợ và bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump bên cạnh việc duy trì quan hệ cá nhân giữa ông chủ Nhà trắng với ông Kim Jong-un để thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên rằng “con đường duy nhất cho sự tồn tại của họ là từ bỏ vũ khí hạt nhân” đã duy trì áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng. Washington triển khai những biện pháp bao gồm gây áp lực trên mọi lĩnh vực để thực hiện thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Song thực tế cho thấy chính sách gây áp lực cứng rắn của chính quyền Donald Trump đã đưa thỏa thuận phi hạt nhân hóa vào bế tắc, quan hệ Mỹ - Triều Tiên “đóng băng” trở lại. Đây cũng là di sản chính sách Triều Tiên mà chính quyền tiền nhiệm để lại cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Chính quyền mới của Mỹ hiện vẫn đang trong quá trình định hình chính sách đối ngoại với Triều Tiên, song theo giới quan sát, Tổng thống Joe Biden chắc chắn vẫn theo đuổi quan điểm Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Tuy nhiên, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của vị Tổng thống thứ 46 này của nước Mỹ sẽ có những khác biệt người tiền nhiệm, đó là “ưu tiên một sự hợp tác toàn diện với các đồng minh” để tiến hành phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, thay vì những biện pháp đơn phương của người tiền nhiệm.

Cùng với những vấn đề khó khăn như vấn đề hạt nhân của Iran, quan hệ với Trung Quốc và Nga… vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như quan hệ Mỹ - Triều Tiên là một thách thức không nhỏ với chính quyền Tổng thống Joe Biden, thể hiện ngay từ vụ phóng thử tên lửa được xem như một “cú nắn gân” với vị chủ nhân hiện nay của Nhà trắng.