Dồn lực hậu kiểm, đề xuất tăng mạnh mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm

ANTD.VN - Tới đây, các trường hợp vi phạm về nhập khẩu, sản xuất kinh doanh thực phẩm nếu bị phát hiện sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn rất nhiều so với hiện nay, kèm theo nhiều hình phạt bổ sung, thậm chí sẽ bị xử lý hình sự tới 20 năm tù…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cung cấp thông tin tới báo chí về việc triển khai thực hiện Nghị định 15/NĐ-CP

Thông tin tới báo chí về những điểm mới của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế cho biết, đến nay sau hơn một tháng thực hiện Nghị định này, ghi nhận ý kiến của nhiều doanh nghiệp cho thấy Nghị định đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Dù vậy, trong quá trình “quá độ”, một số địa phương vẫn đang gặp nhiều lúng túng trong triển khai bởi Nghị định 15 có sự thay đổi rất lớn, đột phá so với các quy định trước đây. Chẳng hạn, một số địa phương chưa có văn bản yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp nhận hồ sơ tự công bố thực phẩm của doanh nghiệp.

Tương tự, về phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu, các cơ quan thực thi tại địa phương chưa hiểu thống nhất. Trước đây, 100% hồ sơ sản phẩm đều kiểm tra, nay chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% lô hàng do Hải quan chọn ngẫu nhiên và kiểm tra hồ sơ, chứ không nhất thiết phải lấy đủ mẫu 5%.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 15, nguyên liệu nhập khẩu về sản xuất làm nội bộ thì miễn kiểm tra theo văn bản, tuy nhiên vẫn có thông tin một số địa phương vẫn kiểm tra. Hiện, Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản miễn kiểm tra những sản phẩm này đến các chi cục địa phương…

Ngược lại, một số doanh nghiệp cũng hiểu chưa thống nhất, cho rằng mình muốn tự công bố chất lượng thực phẩm thế nào cũng được. Ông Phong nhấn mạnh, theo quy định, doanh nghiệp được tự công bố chất lượng thực phẩm nhưng việc công bố các chỉ tiêu, hàm lượng dinh dưỡng phải căn cứ vào các quy chuẩn mà Bộ Y tế đã công bố trước đó. Nếu vi phạm, công bố quá thấp hoặc quá cao, doanh nghiệp sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm...

Cục trưởng Cục ATTP cũng nhấn mạnh, do đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp nên Bộ Y tế sẽ tập trung, dồn nguồn lực vào công tác hậu kiểm.

Đặc biệt, Bộ Y tế đang đề nghị sửa Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính theo hướng áp dụng mức xử phạt các vi phạm về ATTP tăng nặng hơn rất nhiều so với hiện nay và tăng nhiều hình phạt bổ sung. “Đã thông thoáng cho doanh nghiệp rồi thì phải tăng cường hậu kiểm và xử phạt thật nặng để tăng sức răn đe” – ông Phong nói.

Cụ thể, với một lỗi vi phạm về ATTP, mức xử phạt vi phạm hành chính sẽ được sửa đổi theo hướng xử phạt nặng hơn so với hiện nay, kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung như tạm đình chỉ, rút giấy phép, thu hồi sản phẩm…

Cùng đó, Bộ Y tế đề nghị phải thực hiện nghiêm túc Bộ luật hình sự sửa đổi, trong đó áp dụng điều 317 quy định hình phạt tội về vi phạm ATTP, với mức phạt cao nhất lên tới 20 năm tù để tránh tối đa việc kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Vì sao nhiều trường hợp đã làm test thử nhanh nhưng chưa xử lý ngay?

Gần đây có một số thông tin phản ánh về việc các đoàn kiểm tra ATTP đi kiểm tra, làm test thử nhanh thực phẩm tại chỗ, có kết quả rồi nhưng không xử phạt ngay mà vẫn lấy mẫu về phòng để kiểm nghiệm lại. Liệu có phải các đoàn kiểm tra cố ý “nương nhẹ”?

Lý giải về thông tin này, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, đây là cách hiểu chưa đúng. Theo ông Phong, test thử nhanh chỉ cho ra kết quả là “có” hay “không có” chất cần làm test thử.

Lúc này, với những chất chỉ cần phát hiện có trong thực phẩm là vi phạm, không cần quy định rõ hàm lượng là bao nhiêu, thì nếu test nhanh cho ra kết quả là “có” thì phải xử lý ngay. Chẳng hạn làm test “phẩm màu thực phẩm” cho ra kết quả có “phẩm màu công nghiệp” là xử lý ngay, test “hàn the” kết quả cho “có hàn the” là xử lý ngay…

Tuy nhiên, có những chất cần phải lấy mẫu về phòng kiểm nghiệm để kiểm nghiệm xem hàm lượng chất đó là bao nhiêu, vượt ngưỡng bao nhiêu thì mới đủ cơ sở để xử phạt, vì test cho kết quả “có” nhưng không thể biết ngưỡng “có” là bao nhiêu để áp dụng khung phạt.

Chẳng hạn, test nhanh về chỉ tiêu ecoli trong thực phẩm cho ra kết quả “có” nhưng vẫn phải lấy mẫu về phòng kiểm nghiệm để xét nghiệm xem chỉ tiêu ecoli trong mẫu thực phẩm đó là bao nhiêu, có vượt ngưỡng cho phép không thì mới xử phạt được, còn nếu “có” nhưng dưới ngưỡng thì không vi phạm.