Đón chào ngày mới 8-7-2010
(ANTĐ) - Nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, rất cần thiết xây dựng những cổng chào tại các cửa ngõ vào Thủ đô. Tuy nhiên, đã có khá nhiều rắc rối phát sinh sau khi TP Hà Nội đưa ra phương án xây dựng 5 cổng chào.
Gần tới ngày đại lễ, nhiều công trình hạ tầng Hà Nội vẫn còn dang dở |
Sau Hội Kiến trúc sư Việt Nam, sáng 7-7, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã chính thức có ý kiến không đồng ý với các phương án đưa ra. Các chuyên gia Hội KTS Hà Nội khẳng định, không thể góp ý gì về 5 phương án thiết kế được đưa ra trưng cầu, vì tất cả không đạt mục đích và yêu cầu đặt ra. Hơn thế, viện dẫn nhiều trống đồng, chim lạc... khi xây dựng cổng chào là không nên, vì không thể hiện được biểu tượng của Hà Nội, dễ gây phản cảm. Vì thế, Thành phố nên làm những cổng chào đơn giản, lắp dựng nhanh, tháo dỡ được ngay sau dịp Đại lễ như có thể bằng cây, hoa, chậu hoa có khung giữ; bằng vật liệu nhẹ như vải, gỗ dán, cót ép; bằng màng mỏng bơm hơi; bằng khí cầu hoặc bằng ánh sáng đèn pha, laze...
Vì sao một chủ trương đúng, cần thiết nhưng khi công bố lại bị dư luận chỉ trích, không đồng tình như vậy? Theo các chuyên gia, là do sự thiếu cẩn trọng và cách làm thiếu bài bản, chuyên nghiệp. Sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được biết trước từ rất lâu, nhưng mãi đến khi còn hơn 100 ngày nữa là đến Đại lễ mới công bố ý tưởng, kế hoạch xây dựng 5 cổng chào khiến nhiều người rất bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi đa phần các ý tưởng thiết kế đều gắn với trống đồng, chim lạc, những biểu tượng rất có ý nghĩa nhưng không trực tiếp gắn với lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tương tự như vậy, dự án cải tạo hạ tầng cũng được triển khai quá muộn nên đến nay rất nhiều đường phố, khu vực ở Thủ đô vẫn là những công trường ngổn ngang, ảnh hưởng đến đời sống người dân và du khách.
Thưa bạn đọc,
Tình trạng thiếu điện vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương trong tình hình nắng nóng gay gắt. Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại giá điện, vì giá điện bình quân trong nước quá thấp, không hấp dẫn các nhà đầu tư suốt một thời gian dài vừa qua. Theo ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện lực Việt Nam, trên thế giới nếu cứ mất một đồng doanh thu của điện thì tương đương với 2,5 - 3 đồng thiệt hại cho xã hội.
Ở Việt Nam, mức độ ảnh hưởng về xã hội còn lớn hơn nhiều, thậm chí có những thứ không thể tính bằng tiền được, nhất là khi cắt điện vào mùa nóng. Theo tính toán của ngành điện lực, mức giá bình quân để các nhà đầu tư có lãi phải trên 8 cent/kWh, trong khi mức giá điện bình quân hiện chỉ gần 5,3 cent/kWh hiện nay (tương đương là 1.059 đồng/kwh). Vì thế, các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình thật cụ thể, rõ ràng cho việc tăng giá để san bằng khoảng cách này. Bởi lẽ, nếu vội vã san bằng khoảng cách khá lớn này, lại có thể gây ra những ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống, sản xuất. Và cũng thật kỳ lạ, đúng vào dịp nắng nóng lên đến đỉnh điểm này, ngành điện lại đưa ra chuyện tăng giá?!
Chúc bạn đọc một ngày vui khỏe.
ANTĐ