Đối tượng mua bán bào thai sẽ bị xử lý ra sao?

ANTD.VN -Thời gian qua, một số thai phụ vùng cao thuộc tỉnh Nghệ An đã vượt biên sang Trung Quốc chờ sinh để bán con. Đây là thủ đoạn mới, xảo quyệt của những đối tượng buôn người, gây khó khăn không nhỏ cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý do các quy định về hành vi này còn chưa đầy đủ, rõ ràng.

Liên quan đến tình trạng trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, BLHS 2015 sửa đổi quy định một số liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai.

Trong khi đó, bị hại trong các vụ án này chính là những bào thai. Nếu những bào thai này được sinh ra có thể áp dụng chế tài hiện hành, nhưng nếu chúng bị mất ngay khi còn trong bụng mẹ hoặc chết khi vừa sinh ra thì việc xác định bị hại không đơn giản.

Bên cạnh đó, trong những vụ việc này cũng cần xem xét vai trò của người mẹ mang thai nhi là nạn nhân hay đồng phạm. Bởi, có người mẹ do nhận thức kém hoặc rơi vào hoàn cảnh éo le, cùng quẫn buộc phải bán bào thai trong bụng mình dù không mong muốn, song cũng có người mẹ bán bào thai với động cơ tư lợi.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, thời gian qua, mua bán bào thai thường được thực hiện thông qua các hình thức: Diễn ra khi người mẹ còn mang thai nhưng thời điểm mà đối tượng nhận con và giao hết số tiền sau khi sinh (thường sau khi sinh ít ngày hoặc vài tháng).

Mua bán bào thai là thủ đoạn hoạt động mới, nguy hiểm của nạn mua bán người (ảnh minh họa)

Trong trường hợp này, tội phạm hoàn thành khi đứa trẻ đã sinh ra và bị cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện. Nếu vụ việc bị bắt quả tang tại thời điểm này thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể xử lý đối tượng thực hiện hành vi về tội mua bán trẻ em.

Điều 151 BLHS 2015 sửa đổi về Tội mua bán người dưới 16 tuổi quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác…thì bị phạt tù từ 7-12 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Đối với 6 người trở lên; Tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù từ 18-20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Về xử lý hành chính, Luật Đầu tư 2014 quy định rõ về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, gồm mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người. Việc mua bán người, trẻ em bào thai được xác định là ngành nghề cấm kinh doanh. Còn theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt từ 500.000- 100.000.000 đồng.

“Tuy vậy, với trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện sự việc khi đối tượng nhận người mẹ mang thai (đứa con vẫn chưa ra đời) hoặc đối tượng chỉ mua bán bào thai (với sự thống nhất của người mẹ), lên kế hoạch đưa người này ra nước ngoài để sinh con và giao đứa bé cho bên mua, sau đó người mẹ sẽ quay lại Việt Nam thì việc xử lý còn nhiều vướng mắc” – Luật sư Nguyễn Thị Thu phân tích.

Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng, trẻ em được hiểu là những đứa trẻ từ khi lọt lòng người mẹ đến 16 tuổi. Như vậy, thai nhi chưa được coi là trẻ em nên khó có thể xử lý hành vi này theo quy định của BLHS 2015 sửa đổi. Mặt khác, nếu nạn nhân (người phụ nữ mang thai) đã chết hoặc mất tích thì cũng không thể xử lý đối tượng mua bán.

Mua bán bào thai (đứa bé chưa được sinh ra đời) là thủ đoạn hoạt động mới, phức tạp, nguy hiểm của nạn mua bán người, để lại nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng cần sớm có các văn bản hướng dẫn nhằm xử lý nghiêm đối tượng hành vi buôn bán bào thai.