Đội quân khủng bố sống bằng ăn chặn tiền viện trợ của người dân đói khổ Somalia

ANTD.VN - Một phóng sự điều tra của CNN cho thấy, phần nhiều số tiền mà Liên hợp quốc trao trực tiếp cho những người phải sơ tán do chiến tranh và nạn đói ở Somalia bị rơi vào tay al-Shabaab, nhóm có liên quan đến tổ chức al Qaeda và là nhóm khủng bố lâu đời nhất châu Phi.

Đội quân khủng bố sống bằng ăn chặn tiền viện trợ của người dân đói khổ Somalia ảnh 1Một người vừa mới đến Baidoa đang tìm kiếm mọi thứ có thể dựng chiếc lều tạm để sống

Những người đã phải rời khỏi nhà và sống trong một trại tập trung tại thành phố Baidoa ở Somalia được nhân viên Liên hợp quốc phát thẻ tiền mặt với trị giá khoảng 80 - 90 USD mỗi tháng để họ mua những món đồ thiết yếu. Hệ thống thanh toán trực tiếp này sẽ tránh được việc làm xáo trộn thị trường địa phương do lượng lương thực phát chẩn ồ ạt, đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng cho Liên hợp quốc khi quá trình vận chuyển thực phẩm dễ bị tấn công và trộm cắp. 

Các tư thương Somalia hiện giờ hàng ngày đưa thực phẩm đến bán tại các chợ như ở Baidoa, khách hàng của họ là những người dân đã mất chỗ ở, sơ tán vì loạn lạc. Nhưng trên đường vận chuyển, họ phải trả tiền cho al-Shabaab, nhóm phiến quân đang kiểm soát con đường chính dẫn vào thị trấn.

Nguồn thu chính là “lộ phí” 

Tại một địa điểm vùng ngoại ô Baidoa, một người từng làm công việc thu thuế cho al-Shabaab và hiện hợp tác với Cơ quan Tình báo và An ninh Quốc gia của Somalia xác nhận rằng, “lộ phí” là một trong các nguồn thu lớn nhất đối với al-Shabaab. Trong đó, hai nguồn lớn nhất của nhóm này là đường đến Baidoa (Liên hợp quốc ước tính mỗi ngày các trạm kiểm soát trên con đường này mang về thu nhập 5.000 USD cho quân khủng bố) và tuyến đường chính kết nối Thủ đô Mogadishu với vùng Hạ Shabelle, vùng sản xuất nông nghiệp của Somalia. Báo cáo của Liên hợp quốc còn cho thấy, một số công ty và tổ chức cứu trợ trả cho al-Shabaab từ 25.000 - 70.000 USD/tháng để đổi lấy sự an toàn cho nhân viên cùng cơ sở hạ tầng của họ.

Trở lại với thời kỳ đầu những năm 1990, cảnh tượng người Somalia chết đói trên đường phố ám ảnh cả thế giới. Nguyên nhân một phần do các lãnh chúa địa phương cố ý bỏ đói hàng trăm nghìn người để kiếm tiền từ nguồn viện trợ quốc tế. Những cảnh chết chóc trên đường phố Baidoa vào năm 1992 đã khiến Liên hợp quốc buộc phải can thiệp quân sự trong năm này. Thời kỳ đó, chiếc xe được gọi là “Xe buýt Tử thần” đã thu thập được khoảng 100 thi thể trên những con đường bụi bặm của thị trấn mỗi buổi sáng, tất cả đều là những bộ xương người chết vì đói.

Hiện đội quân khủng bố al-Shabaab đang kiểm soát khoảng 1/3 đất nước Somalia. Nhiều người lo ngại,  quốc gia này có thể trở thành thỏi nam châm thu hút những kẻ theo tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khi mà thành trì của chúng ở Syria và Iraq sụp đổ.

 Các tổ chức cứu trợ khi đó đành phải trả tiền cho các lãnh chúa để tiếp cận các nạn nhân bị đói. Hay như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế phải trả cho lực lượng bảo vệ vũ trang - ICRC 100.000 USD/tuần để “bảo vệ” Mogadishu. Số tiền này thời đó rơi vào tay bọn côn đồ chứ không phải các tổ chức khủng bố quốc tế, trong khi những kẻ khủng bố thường thẳng tay trừng phạt khi không được thanh toán. 

Cựu thành viên với 8 năm “thu thuế” cho al-Shabaab nói trên cho hay, tại thời điểm năm 2018 này, nếu các thương nhân không trả tiền cho nhóm khủng bố al-Shabaab, họ sẽ bị bắt và bị giết. Người này giải thích, với mỗi bao gạo mà tư thương mang vào chợ, al-Shabaab sẽ thu 3 USD, thế nên cùng loại gạo đó giá ở Mogadishu là 18 USD trong khi ở Baidoa, giá sẽ tăng lên 26 USD. Đáng chú ý, những thành phố như Baidoa và Mogadishu không do al-Shabaab kiểm soát mà bọn chúng chỉ kiểm soát đoạn đường trung chuyển.

Đội quân khủng bố sống bằng ăn chặn tiền viện trợ của người dân đói khổ Somalia ảnh 24 Liên minh châu Phi đã cử 22.000 lính chiến đấu với al-Shabaab nhiều năm nhưng có kế hoạch rút quân vào năm 2020

Dân càng đói, càng có cơ hội kiếm tiền

 Việc nộp thuế không chỉ giới hạn ở “lộ phí” với tư thương, người dân Somalia thông thường còn phải đóng phí hàng năm cho nhóm al-Qaeda, nhóm đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố tại các Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kenya và Tanzania vào năm 1998 và vụ thảm sát tại Trung tâm thương mại Westgate Mall ở Nairobi, Kenya 4 năm trước.

Fatima Ali Hassan từng nuôi hàng chục con bò và dê. Phải rời bỏ quê hương vì phải cống nộp cho al-Shabaab cùng với mùa màng thất bát do hạn hán, người mẹ của 7 đứa con này hiện sống trong một chiếc lều được làm từ giẻ rách ở Baidoa. Cô chỉ là một trong hàng chục nghìn người phải tha hương đến thành phố đói khát này.

 Nhưng ngay cả ở đây, cô ấy cũng là một món tài sản đối với nhóm khủng bố, giống như 270.000 người khác đang sống trong thành phố và rất nhiều người nữa đổ về đây mỗi ngày. Liên hợp quốc lo ngại rằng nạn hạn hán kéo theo nạn đói đang đe dọa Somalia và tạo cho    al-Shabaab cơ hội kiếm tiền từ viện trợ nước ngoài, đặc biệt nếu nhóm này duy trì sự kiểm soát các tuyến đường chính xuyên nội địa.

Những cáo buộc này được chính quyền địa phương xác nhận. Ông Michael Keating, người đứng đầu cơ quan Liên hợp quốc tại Somalia cũng thừa nhận đó là câu chuyện có thật nhưng dù sao hầu hết các món hàng hóa hay tiền viện trợ nước ngoài vẫn tiếp tục đến được người dân. “Thật không may những người đang cần sự giúp đỡ và những người là mục tiêu hướng đến của các tổ chức nhân đạo lại trở thành “con mồi” hấp dẫn đối với những kẻ lợi dụng tình thế đó để kiếm tiền và có rất nhiều trò gian lận đang diễn ra”, ông Michael Keating, người có nhiều năm kinh nghiệm làm công việc viện trợ nhân đạo ở Afghanistan và Trung Đông cho biết.

Gánh nặng an ninh

 Giờ đây, lực lượng chiến đấu chính tại Somalia là đội quân của tổ chức Liên minh châu Phi (AU) gồm 22.000 người đang bảo vệ Chính phủ non trẻ ở Thủ đô Mogadishu và đang nỗ lực đẩy lùi al-Shabaab để giành lại quyền kiểm soát khu vực miền Nam. Tuy vậy, lực lượng này sẽ rút lui dần và dự kiến rời khỏi Somalia trong 2 năm tới.

Lãnh đạo quân đội Liên minh châu Phi thừa nhận rằng họ không thể đẩy al-Shabaab ra khỏi những con đường chính vốn là nguồn thu nhập chính của nhóm khủng bố. “Thay vì giảm, lực lượng AU cần phải tăng lên. Chúng tôi đang quá căng thẳng, chúng tôi chỉ thực hiện các cuộc đột kích nhỏ”, Trung tá Chris Ogwal, chỉ huy lực lượng đến từ Uganda kiểm soát tuyến đường nối Mogadishu với thị trấn nhỏ Afgoye nói. Dù  đây không phải là con đường quan trọng nhất dẫn đến Baidoa, nhưng theo Trung tá Ogwal, bất cứ khi nào lực lượng AU rút dần, nó sẽ tạo một khoảng trống mà al-Shabaab sẽ lấp đầy.

Điều này tạo áp lực lớn hơn cho quân đội Mỹ, quốc gia cũng đang chia sẻ gánh nặng an ninh với Somalia khi Mỹ điều đến đây khoảng 500 binh sỹ, bao gồm cả lính đặc nhiệm. Nhưng năm nay là năm kỷ niệm 25 năm Trận chiến Mogadishu, vụ đụng độ khét tiếng, trong đó 18 người Mỹ và hơn 1.000 người Somali bị giết hại khi lực lượng Đặc nhiệm Mỹ cố bắt giữ lãnh chúa quyền lực nhất Somalia vào thời đó, Mohammed Farrah Aidid. Hình ảnh của một phi công Mỹ bị kéo lê trên đường phố Thủ đô Somalia đã khiến Mỹ rút quân 2 năm sau đó.