Đối phó Trung Quốc nhiều thách thức hơn đối đầu Xô-Mỹ?

ANTĐ - Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương đã đưa ra nhận xét, "ưu thế lịch sử" của Mỹ đang thu hẹp lại trước sự phát triển như vũ bão của quân đội Trung Quốc khiến Mỹ sẽ phải có những điều chỉnh trong chiến lược toàn cầu.

Tính chất của đối đầu Trung-Mỹ khác hẳn đối đầu Xô-Mỹ trong chiến tranh lạnh

Vị Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương thừa nhận rằng, trên thực tế, dù Hoa Kỳ vẫn có ưu thế công nghệ không thể tranh cãi, về tổng quan lực lượng không quân và hải quân Mỹ vẫn áp đảo Trung Quốc, có thể dễ dàng đánh bại họ trong một cuộc chiến tổng lực, nhưng riêng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì binh lực Mỹ hiện nay, chưa đủ để đánh bại lực lượng tác chiến nhất thể của không quân - hải quân Trung Quốc, có số lượng vượt trội và vẫn đang tiếp tục tăng lên từng ngày.

Đô đốc Locklear nhấn mạnh, Mỹ cần tích cực tìm kiếm cách tiếp cận mới để đảo ngược xu hướng phát triển tiêu cực trong cán cân lực lượng ở khu vực này, kêu gọi chính phủ nối lại các kế hoạch phát triển một số hệ thống vũ khí đầy hứa hẹn, đặc biệt là tên lửa hành trình thế hệ mới. Hiện nay, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã đạt đến mức mà một nhóm quân đội Mỹ trong khu vực, kể cả có thể được củng cố và tăng cường trong thời gian diễn ra cuộc xung đột cũng không thể khống chế nổi.

Điểm đặc biệt đáng lưu ý là hiện nay, gần như toàn bộ các đồng minh lớn của Washington đều cho rằng Bắc Kinh không phải là mối đe dọa trực tiếp đối với họ. Hơn nữa, hầu như tất cả các đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ ở châu Âu như Đức, Anh, Pháp…, những cường quốc có khả năng hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở các khu vực khác trên thế giới đều vấp phải những vấn đề nan giải về cắt giảm ngân sách và tinh giảm biên chế khiến họ không mặn mà lắm với chiến lược đối phó với Trung Quốc của Mỹ.

Đối phó Trung Quốc nhiều thách thức hơn đối đầu Xô-Mỹ? ảnh 1

Trong năm 2013, Mỹ đã hoạch định sẽ điều động đến châu Á-Thái Bình Dương khoảng 60% lực lượng không quân và hải quân


Điều này không giống như đối đầu Xô-Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Thời đó, tuy Mỹ phải đối đầu với Liên Xô hùng mạnh, đằng sau là cả khối đồng minh quân sự Warsava, nhưng hậu thuẫn cho họ là cả khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, đồng tâm nhất trí cho rằng Liên Xô là địch thủ nguy hiểm đối với toàn thể NATO. Nhưng hiện nay, thậm chí là các nước châu Âu còn “tiếp tay” cho Trung Quốc chế tạo vũ khí để đối đầu với Mỹ.

Tính chất của đối đầu Trung - Mỹ hiện nay đã khác xa so với đối đầu Xô - Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Tuy hiện nay Mỹ vẫn là thủ lĩnh của khối NATO nhưng về bản chất, "cuộc chiến" chống lại Trung Quốc là vấn đề riêng giữa Washington và Bắc Kinh. Điều này giải thích tại sao để đối phó với chỉ một mình Trung Quốc không mạnh bằng Liên Xô trước đây - không đồng minh, không chỗ đứng chân ở nước ngoài - mà Mỹ phải điều động tới 60% binh lực hải quân và không quân trên phạm vi toàn cầu.

Mỹ sẽ phải điều chỉnh lực lượng toàn cầu dẫn đến những biến động lớn trên thế giới

Trong bối cảnh những hạn chế nghiêm trọng trong ngân sách quân sự và giảm dần nguồn dự trữ, sớm hay muộn người dân Mỹ sẽ phải đối mặt với tình huống phần lớn lực lượng vũ trang của họ sẽ phải tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, y như trong thời gian Chiến tranh Lạnh chống Liên Xô, khi đại bộ phận binh lực của Hoa Kỳ tập trung ở vùng Bắc Đại Tây Dương. Nó có thể sẽ vượt qua con số 60% binh lực hải quân và không quân mà Mỹ đã hoạch định trong năm 2013.

Đối phó Trung Quốc nhiều thách thức hơn đối đầu Xô-Mỹ? ảnh 2

Tính chất của đối đầu Trung-Mỹ hiện nay đã khác xa so với cuộc chiến Xô-Mỹ thời kỳ chiến tranh lạnh


Xu thế tất yếu là Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng các lực lượng không quân, hải quân, hải quân đánh bộ triển khai thường xuyên trong khu vực, và cũng có thể cả lực lượng bộ binh của lục quân. Trong tình hình kinh tế hiện nay, sự gia tăng như vậy chỉ có thể đạt được bằng cách cắt giảm đáng kể sự hiện diện của Mỹ ở các bộ phận khác trên thế giới. Nó sẽ khiến Mỹ sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn khi bảo vệ các đồng minh và thực hiện chiến dịch can thiệp nhằm lật đổ chế độ không thuận theo guồng máy của họ.

Điều này có nghĩa rằng, Hoa Kỳ sẽ phải xem xét lại hệ thống liên minh và trọng điểm viện trợ quân sự cho các đồng minh hiện có, đồng thời củng cố vững chắc mối quan hệ địa-chính trị và hợp tác kỹ thuật quân sự với các đối tác chính trị quan trọng. Vào một thời điểm nhất định, việc cung cấp vũ khí hiện đại có thể trở thành công cụ duy nhất của chính quyền Mỹ để tác động đến tình hình quốc tế ở các khu vực khác trên thế giới, chứ không phải là việc trực tiếp điều động quân Mỹ đến khu vực đó.

Đối phó Trung Quốc nhiều thách thức hơn đối đầu Xô-Mỹ? ảnh 3

Sự phát triển như vũ bão của Trung Quốc làm Mỹ phải điều chỉnh lại chiến lược toàn cầu


Trong tương lai sau khi xuất hiện các công nghệ đột phá mới, ví dụ, tên lửa hành trình siêu thanh có khả năng tiêu diệt các siêu tàu sân bay thì tất cả các cường quốc hải quân sẽ buộc phải xem xét lại thành phần hạm đội của mình. Trong bối cảnh đó, siêu cường hải quân mới là Trung Quốc sẽ vượt qua ông lớn hải quân trước đây như Nga, Anh, Pháp…, tiếp cận vị trí số 1 của hải quân Mỹ, do đó Hoa Kỳ sẽ phải tiếp tục củng cố các lực lượng của mình trong khu vực Đông Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Chuyên viên Vasily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ của Nga cho biết, đây là một tín hiệu quan trọng, khi một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ thừa nhận thực tế rằng, Hoa Kỳ đang mất dần ưu thế quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà chính quyền Mỹ luôn coi là phương hướng ưu tiên. Điều này có nghĩa là trong thời gian tới sẽ có những điều chỉnh rất lớn trong chiến lược quân sự toàn cầu và điều động binh lực toàn cầu của Mỹ dẫn đến tình hình thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông và châu Phi cũng sẽ có những diễn biến khó lường.