Đối ngoại - ngoại giao nâng tầm vị thế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những kết quả nổi bật đạt được trong công tác đối ngoại và hội nhập năm 2021 - năm đầu tiên triển khai thực hiện đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76

Những hoạt động đối ngoại nhộn nhịp, linh hoạt

Năm 2021, dù tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường; các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược, căng thẳng, xung đột leo thang tại nhiều khu vực; thách thức an ninh phi truyền thống như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm có tổ chức… tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát hơn, nhưng hoạt động ngoại giao của Việt Nam với các nước, nhất là đối với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các đối tác chủ chốt, vẫn được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều hình thức linh hoạt, sử dụng hiệu quả kênh trao đổi trực tuyến ở các cấp.

Khi tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tiến hành hàng chục cuộc điện đàm, trao đổi trực tuyến song phương với lãnh đạo các quốc gia là những đối tác truyền thống, quan trọng trên thế giới. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã các cuộc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin; Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel Bermudez; Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide; Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in…

Cùng với đó, Việt Nam cũng triển khai an toàn một số hoạt động trao đổi đoàn cấp cao quan trọng thăm viếng lẫn nhau. Lãnh đạo và các quan chức cấp cao nhiều nước đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến thăm và thúc đẩy quan hệ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021-2026; Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam, chuyến thăm nước ta lần đầu tiên trong lịch sử của một đương kim Phó Tổng thống Mỹ và Việt Nam là một trong hai quốc gia mà Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm trong chuyến công du lần đầu tiên đến châu Á sau khi nhậm chức…

Trong năm qua, lãnh đạo cấp cao nước ta thực hiện nhiều chuyến thăm nước ngoài, tham dự các sự kiện, diễn đàn đa phương quốc tế quan trọng của thế giới. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có các chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào, Cuba, Liên bang Nga, Thụy Sĩ… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Pháp, Nhật Bản.

Cùng với hợp tác song phương, ngoại giao đa phương được triển khai tích cực, có bước chuyển về chất với bước tiến từ việc gia nhập đến tham gia ngày càng chủ động, tích cực, đóng góp thực chất và đưa ra nhiều sáng kiến được cộng đồng quốc tế chia sẻ, ủng hộ rộng rãi tại các diễn đàn đa phương và quốc tế, để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam, chủ động, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, làm nổi bật vai trò, vị thế của Việt Nam tại sự kiện đa phương lớn nhất hành tinh, là minh chứng cụ thể cho thấy một Việt Nam năng động và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế hiện nay, thể hiện mong muốn của Việt Nam về hòa bình, ổn định, cùng phát triển.

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đồng thời đưa ra những cam kết ủng hộ các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu cho thấy những sự tham gia tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, một trong những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng nhất hiện nay với toàn thế giới.

Những hoạt động đối ngoại đa phương trên cùng với việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến; Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự các Hội nghị cấp cao ASEAN và các Hội nghị cấp cao liên quan… cho thấy ngoại giao đa phương Việt Nam tiếp tục là trọng tâm quan trọng của ngoại giao hiện đại; đồng thời chứng tỏ Việt Nam năng động, tích cực và trách nhiệm trong hợp tác để ứng phó, giải quyết những thách thức chung của khu vực, toàn cầu.

Nổi bật hiệu quả ngoại giao vaccine, kinh tế

Trong đại dịch Covid-19, nước ta đã triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả công tác ngoại giao y tế-vaccine ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao; và trên cả kênh song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vaccine phòng Covid-19, đạt 100% mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Sự nỗ lực và phối hợp nhịp nhàng giữa ngoại giao nghị viện và ngoại giao Nhà nước đã gửi đến thế giới hình ảnh một Việt Nam cởi mở và chủ động, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác để cùng nhau vượt qua dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển hậu đại dịch. Các nhà lãnh đạo nước ta đã thực hiện hàng trăm cuộc điện đàm, gặp gỡ cấp cao để thảo luận về các cách thức thúc đẩy hợp tác vaccine phòng Covid-19 cũng như tiếp cận vaccine với các đối tác trong và ngoài nước.

Việt Nam cũng đã kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó thể hiện rõ vai trò “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế. Có thể nói, ngoại giao vaccine là một trong những công cụ chính sách đối ngoại hiệu quả nhất của nước ta năm 2021, thích ứng trước những thách thức của đại dịch Covid-19.

Hoạt động đối ngoại, ngoại giao trong năm 2021 đã góp phần quan trọng cùng quốc phòng và an ninh thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Việt Nam tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc; đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách tại các diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng khác; tham gia tích cực các diễn đàn đa phương nhân dân như Diễn đàn Nhân dân ASEAN, các cơ chế hợp tác thanh niên, luật sư, doanh nghiệp...

Có thể khẳng định, đối ngoại đa phương và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng được đẩy mạnh, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước. Với thế và lực gia tăng trên trường quốc tế, chính sách đối ngoại tích cực, chủ động, Việt Nam đã từng bước chuyển từ tham gia tích cực sang chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương ở tầm khu vực và toàn cầu.