Đổi mới, linh hoạt trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 23-4, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc. Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội nghị

Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương

Hội nghị là dịp để Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ gặp gỡ trao đổi, rút ra những bài học kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tổ chức và hoạt động của HĐND. Đây cũng là diễn đàn để các đại biểu bàn về những nhiệm vụ trọng tâm đối với hoạt động HĐND, nhất là nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nội dung, chất lượng kỳ họp HĐND trong thời gian tới; tiếp tục đề xuất các giải pháp cả về cơ chế, chính sách, pháp luật và phương thức tổ chức thực hiện để dần tháo gỡ những nút thắt nhằm khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên đã tham luận về “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp, hoạt động giải trình của Thường trực HĐND cấp tỉnh”. Theo đó, từ thực tiễn hoạt động của HĐND TP Hà Nội vừa qua, để nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, HĐND TP đã coi trọng và làm thật tốt công tác chuẩn bị trước phiên chất vấn, giải trình; tăng cường thời lượng, mở rộng đối tượng, phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong phiên chất vấn, giải trình; thực hiện tốt công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận, nghị quyết sau phiên chất vấn, giải trình; tăng cường công tác truyền thông đối với hoạt động chất vấn, giải trình. Để hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ngày càng linh hoạt, hiệu quả, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành hướng dẫn quy trình tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp; tăng cường giám sát, khảo sát để giúp các địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác chất vấn, giải trình HĐND cho đại biểu.

Mỗi đại biểu HĐND là hạt nhân quan trọng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, thời gian qua, HĐND các cấp đã có sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm cao, hoạt động ngày càng chủ động, thực chất; sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan thiết thực, hiệu quả, kịp thời; hoạt động giám sát được công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung giám sát bám sát với yêu cầu thực tiễn; có nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động, khẳng định mỗi đại biểu HĐND là hạt nhân đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, hoạt động chất vấn, giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, tính tranh luận khi thảo luận chưa cao. Công tác giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát còn hạn chế. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có việc còn chậm...

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cần xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đồng thời, để nâng cao chất lượng kỳ họp, việc lựa chọn nội dung, chương trình, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra là khâu then chốt, rất quan trọng. Chủ tọa kỳ họp phải linh hoạt, dân chủ; chỉ trình bày báo cáo tóm tắt tại kỳ họp để tiết kiệm thời gian. Mỗi đại biểu HĐND cần thường xuyên nghiên cứu, nâng cao trình độ, kỹ năng để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và đề xuất các giải pháp. Đặc biệt, các đại biểu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri; đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri...