Đổi mới lần 2

ANTĐ - Công cuộc đổi mới, cải cách kinh tế được quyết định từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội sâu sắc đầu những năm 1980 mà còn đẩy nền kinh tế Việt Nam vững bước hoà nhập vào kinh tế toàn cầu.

Việt Nam nay là một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài

Đó là nhận định chung đưa ra tại Hội thảo “25 năm cải cách kinh tế ở Việt Nam” diễn ra tại Thủ đô Brussels (Bỉ) do Viện châu Âu nghiên cứu về châu Á (EIAS) tổ chức. Cuộc hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, các đoàn ngoại giao và các nhà báo quốc tế quan tâm tới hợp tác và làm ăn với Việt Nam.

Nhận định về những chuyển biến về chất trong nền kinh tế Việt Nam, ông Philippe Van Amersfoort, một thành viên EIAS, cho rằng kể từ khi tiến hành cuộc cải cách toàn diện, hay còn gọi là “Đổi mới” năm 1986, Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ sang một nền kinh tế thị trường theo xu hướng xã hội chủ nghĩa. “Đổi mới” đã giúp nền kinh tế Việt Nam hòa nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Việt Nam từng lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế-xã hội đầu những năm 1980 khi mất dần sự trợ giúp của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu trong khi chịu cuộc bao vây cấm vận của phương Tây. Chính trong thử thách vô cùng ngặt nghèo đó, Việt Nam đã tìm thấy sinh lộ để tự cứu mình, đó chính là công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Sau 25 năm nhìn lại càng thấy thành quả mà công cuộc đổi mới mang lại to lớn tới mức nào. Từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu bậc nhất thế giới lại bị chiến tranh tàn phá và bị bao vây cấm vận khắc nghiệt, Việt Nam đã trở thành một điển hình thoát nghèo và hội nhập thành công trên thế giới.

Đổi mới đã khơi nguồn nội lực, giải phóng sự sáng tạo trong mỗi người dân cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của các thành phần kinh tế. Sau 25 năm đổi mới, Việt Nam đã thoát nghèo, trở thành một quốc gia thu nhập trung bình với GDP đạt trên 1.000 USD/người, tỷ lệ nghèo đói giảm từ trên 60% trước đổi mới xuống hơn 10% hiện nay.

Từ chỗ bị bao vây cấm vận, chỉ buôn bán với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 165 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là địa điểm đầu tư hấp dẫn của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trở thành một thành viên có trách nhiệm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì việc hội nhập sâu rộng cũng đang mang lại những thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị khủng hoảng và suy thoái nặng nề hiện nay. Việt Nam đã sớm nhận ra phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ... sang tăng trưởng bền vững có chiều sâu dựa trên chất lượng tăng trưởng, cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực cao.

Thực hiện việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được Đại hội Đảng lần thứ XI xác định, Hội nghị Trung ương 3 mới đây đã khẳng định triển khai nhiều chính sách, biện pháp nhằm tái cấu trúc nền kinh tế. Giới kinh tế nước ngoài cho rằng đây chính là cuộc đổi mới lần 2 ở Việt Nam.