Nhân ngày truyền thống Thầy thuốc Việt Nam 27-2:
Đối mặt hiểm nguy
(ANTĐ) - Ai cũng nghĩ, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ vinh dự đảm trách nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, thì chẳng mấy khi ốm, nhiễm bệnh. Nhưng một thông tin đáng chú ý, nghề y là một nghề... nguy hiểm, là nghề có tỷ lệ bệnh nghề nghiệp cao nhất. Sức khỏe của họ đang hàng ngày, hàng giờ bị đe dọa bởi nguy cơ cao lây truyền các bệnh truyền nhiễm: HIV/AIDS, viêm gan virus, lao, SARS, cúm H5N1, tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết.v.v... Song như TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Quyền trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, một khi đã là “sinh nghề tử nghiệp”, một khi đã là “Lương y kiêm từ mẫu” tất cả vì mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thì tất cả hiểm nguy trên không còn là điều đáng lo ngại nữa.
Một ngày ở bệnh viện
Dẫn tôi đi thăm các phòng bệnh chật chội, đầy kín người, bác sĩ Ngọc có vẻ ái ngại. Đây là khoa có số bệnh nhân nhiễm lao, phổi, HIV, viêm gan... lớn, toàn ca nặng. Bác sĩ Ngọc cho biết: “Do yêu cầu công việc, đặc biệt với các y, bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, điều trị tích cực, truyền nhiễm... thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, trực tiếp tham gia xử lý các ổ dịch bệnh, nên chúng tôi rất dễ bị lây truyền các bệnh truyền nhiễm. Đấy chưa kể, rất nhiều nhân viên thường xuyên tiếp xúc với nguồn gây bệnh: xét nghiệm máu, các dịch sinh học của người bệnh; các chất tẩy uế, hóa chất khử trùng, các chất ướp xác, hóa chất dùng trong phòng thí nghiệm...
Chỉ một chút sơ sẩy, nhân viên y tế có thể bị máu và các dịch sinh học của người bệnh bắn vào niêm mạc mắt, các tổn thương dưới da; nhân viên chụp X quang, sử dụng kính hiển vi điện tử, nhân viên phòng mổ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động có hại từ các tia phóng xạ nếu không được trang bị phòng hộ lao động đầy đủ”. Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thảo tâm sự: Tháng 12-2008, sau khi làm xong các thủ thuật tiêm cho bệnh nhân ung thư gan và HIV, vô tình hộp kim đã sử dụng rơi và đâm vào người tôi. Rất may sau khi sơ cứu và xét nghiệm, tôi không sao... Bác sĩ Ngọc bảo, gặp những người bệnh tuyệt vọng, bất mãn, quá khích hất mũi tiêm, giãy giụa hoặc chống đối, có khi sử dụng thêm 2-3 bao tay, mặc thêm áo, đeo thêm khẩu trang song khi tiếp xúc với các bệnh nhân này, nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao. Nhưng nghề nghiệp mà...
Tại Viện Y học lâm sàng các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, các y bác sĩ ở đây cho rằng, sự phơi nhiễm bệnh dễ xảy ra nhất là khi virus cúm H5N1, hay dịch SARS lây truyền ngay trong không khí. Với nhóm bệnh tả, đường tiêu hóa, khi bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng nôn rất nhiều, thậm chí đại tiện liên tục nên hầu hết các nhân viên y tế đều phải tham gia thay quần áo bệnh nhân, chăn ga, gối đệm cho họ trong khi chưa hề có một xét nghiệm nào để biết bệnh như thế nào, mức độ lây nhiễm ra sao... Quá trình điều trị cũng là thêm một lần rủi ro bị phơi nhiễm rình rập khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, lấy bệnh phẩm, rất dễ nhiễm trùng thần kinh trung ương (viêm màng não, viêm não virus); sảng nhiễm trùng, viêm gan B, C...
Và những con số
Theo nghiên cứu của Viện Y học lao động & Vệ sinh môi trường, Cục Y tế dự phòng và Môi trường, trường Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội tại các cơ sở y tế điều trị và dự phòng Trung ương, điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện nay chưa đảm bảo ATVSLĐ. Tại nhiều cơ sở y tế, nhân viên y tế vẫn phải làm việc trong môi trường lao động bị ô nhiễm bởi các loại vi sinh vật có thể gây bệnh (59,3% số mẫu đo không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép-TCVSCP), ô nhiễm bức xạ ion hóa (4% mẫu đo vượt TCVSCP từ 2,8-224 lần), ô nhiễm hóa chất, hơi khí độc (11,1% số mẫu đo vượt TCVSCP từ 1,1-33,3 lần). Bên cạnh đó, 77,4% nhân viên y tế trong các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên thường xuyên phải trực đêm, 80% phải làm thêm giờ do lượng bệnh nhân phục vụ luôn quá tải, mỗi bác sỹ khám chữa bệnh cho 20-30 bệnh nhân/ngày do thiếu nhân lực, dẫn đến 48,6% số người được nghiên cứu có biểu hiện stress nghề nghiệp: 72,1% biểu hiện đau dạ dày, 79,5% bị khó ngủ, 47,1% nhân viên y tế có tần số nhịp tim trong lao động lớn hơn 90 nhịp/phút và có biểu hiện căng thẳng chức năng hệ tim mạch ở mức cao. Đội ngũ y, bác sĩ hôm nay còn phải đối mặt với nguy cơ bạo lực từ bệnh nhân (29,2%); nguy cơ lây nhiễm bệnh tới 77,8% do họ thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh nguy hiểm...
Cách đây chưa lâu, dư luận xôn xao về sự kiện một thầy thuốc ưu tú bỏ quên gạc trong bụng bệnh nhân sau mổ. Ông đã dũng cảm nhận trách nhiệm, bán xe máy của con gái, rút tiền tiết kiệm, vay thêm bệnh viện để trả viện phí, thuốc men cho “nạn nhân”. Lời thề Hippocrate vẫn còn đó, những tai nạn, hiểm nguy đối với tinh thần, sức khỏe, tính mạng của đội ngũ y, bác sĩ vẫn còn đó... Nhưng thực tế xã hội lại đánh giá y đức của họ với con mắt chưa thiện cảm. Đội ngũ y, bác sỹ đang rất cần một sự cảm thông, để họ ý thức hơn, không ngừng nâng cao y đức trong nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hà Bảo Lâm
Xứng đáng với niềm tin Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành y tế, hiện nay đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã được trang bị bảo hộ lao động, được tập huấn quy trình vệ sinh lao động và phòng chống tai nạn nghề nghiệp. Tuy nhiên tai nạn, rủi ro nghề nghiệp, bị nhiễm bệnh lao, viêm gan, SARS, HIV vẫn không thể tránh. Trong khi đó người thầy thuốc vẫn phải sống, phải lo lắng cho gia đình, con cái... phải chịu tác động của cơ chế thị trường, phải làm việc trong môi trường, cường độ làm việc cao, stress liên tục... Vì thế nhiều năm qua, Bệnh viện Bạch Mai đã đề ra những quy định nghiêm ngặt yêu cầu các y, bác sĩ phải tự bảo vệ mình bằng các trang thiết bị phòng hộ lao động, thực hiện đúng thao tác, quy trình kỹ thuật và coi đó như kỹ năng nghề nghiệp. Mạng lưới chống nhiễm khuẩn của bệnh viện cũng ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan chéo trong bệnh viện; công tác vệ sinh môi trường được quan tâm làm tốt. Bệnh viện định kỳ tổ chức khám sức khỏe nhằm chủ động phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh tật cho cán bộ nhân viên, có chế độ nghỉ dưỡng cho người yếu sức khỏe... nên số ca nhân viên y tế bị lây nhiễm, phơi nhiễm các loại bệnh nguy hiểm được hạn chế. Nhân ngày truyền thống 27-2, với tất cả lương tâm, trách nhiệm, chúng tôi sẽ cố gắng chẩn đoán sớm, đúng bệnh, điều trị kịp thời, tận tình chăm sóc người bệnh, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, nhân dân trao cho. PGS.TS Ngô Quý Châu (Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) Cơ sở vật chất chưa đáp ứng, chế độ chưa đảm bảo Kết quả điều tra 9.437 nhân viên y tế cho thấy có 54,4% bị tổn thương do vật sắc nhọn; 16,8% đã từng bị lây nhiễm các bệnh khi khám chữa bệnh và tham gia phòng chống dịch, trong đó đáng chú ý các bệnh lây qua đường hô hấp: lao, viêm phổi (6,6%), lây nhiễm qua đường máu (5,7%); 28,3% mắc một số bệnh mãn tính như viêm loét dạ dày, viêm gan; 19,7% nhiễm viêm gan B... Thời gian qua, Nhà nước đã có một số chế độ, chính sách ưu đãi đối với nhân viên ngành y tế: lương, phụ cấp độc hại nguy hiểm, bảo hiểm nghề nghiệp... Nhưng nhiều loại bệnh nguy hiểm vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân viên y tế, trong khi những chế độ này chưa bù đắp lại những cống hiến và sức lực của họ. Rồi môi trường lao động có nhiều yếu tố độc hại, công tác ATVSLĐ và khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp trong nhiều cơ sở y tế chưa được đẩy mạnh. Do đó, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nghề nghiệp, đảm bảo ATVSLĐ nơi làm việc cho nhân viên y tế trong những năm tới cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa, đảm bảo cho họ được làm việc trong môi trường an toàn, không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Th.S Nguyễn Bích Diệp (Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường) Tự phòng bệnh để có sức khỏe phục vụ nhân dân Để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nhân viên y tế đối với công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ và phòng chống bệnh nghề nghiệp, Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã tổ chức hội thi “Phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở y tế” thu hút đông đảo đội ngũ điều dưỡng viên, y tá, bác sĩ tham gia sôi nổi, thể hiện tinh thần giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức pháp luật, các kỹ năng trong nghiệp vụ, phòng tránh bệnh nghề nghiệp. Đây là một trong những biện pháp tập huấn nhắc lại giúp nhân viên y tế sử dụng đầy đủ, đúng các trang thiết bị bảo hộ lao động, ATVSLĐ như tiêm an toàn, rửa tay sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, bệnh phẩm... Bên cạnh đó, các biện pháp chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế cũng như dự phòng nguy cơ rủi ro do vật sắc nhọn cũng được chú trọng, trở thành quy định của cơ sở y tế nhằm bảo vệ nhân viên y tế, bệnh nhân và cộng đồng. Tất nhiên khi phong trào được triển khai tốt, có chiều sâu và trở thành nhận thức, thành kỹ năng, đội ngũ y, bác sĩ sẽ biết tự phòng tránh bệnh tật, tai nạn, đảm bảo sức khỏe tốt phục vụ nhân dân. BS. Phạm Xuân Thành (Phòng Sức khỏe nghề nghiệp - Tai nạn thương tích Cục Y tế Dự phòng và Môi trường) |