Đổi giờ học, giờ làm từ 1-2-2012

ANTĐ - Hôm nay, 15-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa XIV.

Khung giờ học, giờ làm mới được áp dụng từ 1-2-2012

Tại buổi tiếp xúc, vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông; bãi trông giữ xe lộn xộn; tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; tổ chức tuyến phố đi bộ... là những kiến nghị của nhiều cử tri quận Hoàn Kiếm với các ĐB HĐND TP. Đặc biệt, lo lắng về tình trạng có nhiều xe máy tự bốc cháy như hiện nay, cử tri phường Hàng Buồm đề nghị TP cần có phương án kiểm tra chất lượng sản phẩm tại các cơ sở sản xuất.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của cử tri cho những vấn đề chung của TP. Đồng tình với cử tri, Chủ tịch UBND TP cho rằng, vấn đề nóng bỏng nhất của Hà Nội hiện nay là trật tự an toàn giao thông. Ông cho biết, nội dung này cũng là một trong những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành của TP trong năm 2012. TP đã xác định kế hoạch khắc phục ùn tắc giao thông bằng các biện pháp tổng hợp, đồng bộ, bao gồm cả trước mắt và lâu dài trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vừa được Chính phủ phê duyệt. Chủ tịch UBND TP cũng nhắc lại chủ trương tạm dừng cấp phép mới kinh doanh taxi. Dự kiến, tuần tới, UBND TP sẽ ra quyết định về vấn đề này.

Liên quan tới vấn đề điều chỉnh giờ học, giờ làm việc trên địa bàn Hà Nội để góp phần giảm ùn tắc giao thông, lãnh đạo thành phố cho biết, dự kiến, sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Hà Nội mới bắt đầu áp dụng khung giờ mới (từ 1-2-2012). Theo phương án đề xuất trước đó, Hà Nội sẽ thực hiện đổi giờ học, giờ làm từ 1-1-2012.          

Cũng liên quan tới điều chỉnh giờ học, giờ làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ký văn bản chính thức trình phương án cuối cùng (sau khi đã được Thường trực Thành ủy chỉ đạo vào ngày 12-12) lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, TP tiếp tục khẳng định, việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh phải đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn, bất cập phát sinh trong đời sống, sinh hoạt, công tác của các đối tượng liên quan. Cùng với đó, việc đổi giờ phải tạo được sự chênh lệch thời gian giữa các nhóm đối tượng, đủ đảm bảo giãn mật độ phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm (khoảng 1h).

Phương án chốt không thêm huyện Gia Lâm vào danh sách như đề xuất trước đó của Ban Pháp chế HĐND TP và giữ nguyên việc phạm vi triển khai ở 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm. Ngoài ra, các nhóm đối tượng phải đổi giờ cũng được điều chỉnh khá nhiều sau khi lắng nghe ý kiến góp ý từ dư luận và các ĐB HĐND TP. Cụ thể, nhóm sinh viên, học viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; học sinh các trường THPT có thời gian lớp học sáng bắt đầu từ trước 7h; lớp học chiều kết thúc sau 19h. Nhóm học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS có thời gian bắt đầu học ca sáng từ 8h và kết thúc ca chiều vào 17h; bố trí giáo viên nhận các cháu từ 7h30 sáng và trả các cháu đến 17h30. Cán bộ công chức, viên chức (cả Trung ương và Hà Nội) bắt đầu làm việc từ 8h và kết thúc vào 17h. Trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) làm việc buổi sáng từ 9h và kết thúc giờ làm việc buổi chiều sau 19h. Các nhóm đối tượng khác giữ nguyên không thay đổi. TP cũng nhấn mạnh giải pháp “thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người thấy được sự cần thiết của việc điều chỉnh giờ”, tạo sự ủng hộ, đồng thuận cao trong cộng đồng để tự giác chấp hành.

Bên cạnh giải pháp điều chỉnh giờ, UBND TP cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục chấn chỉnh và kiên quyết thực hiện một số giải pháp mạnh như quy định giờ hoạt động cho các phương tiện vận tải trong giờ cao điểm; kiểm tra xử lý các điểm đỗ xe dưới lòng đường sai quy định; hạn chế xây dựng cao tầng trong các quận nội thành theo đúng quy hoạch được duyệt; thực hiện phân làn tách dòng giao thông theo phương tiện trên một số tuyến phố chính...