Đôi bên đều có lợi

ANTĐ - So với đầu năm, mặt bằng lãi suất đã giảm khá mạnh, lãi suất huy động giảm 2-3%, lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm. Như vậy, thay vì phải chịu mức lãi suất cao như trước, nay doanh nghiệp đã có thể tiếp cận với chi phí vốn giá rẻ. Theo báo cáo của Chính phủ trong phiên họp thường kỳ vừa qua, những doanh nghiệp tài chính lành mạnh đã được vay với lãi suất 6,5-7%/năm, ngang bằng với lãi suất huy động ngắn hạn. Những ngày cuối năm này, các ngân hàng đang đưa ra nhiều gói tín dụng vay ưu đãi, hy vọng thu hoạch những thành quả trong mùa kinh doanh cuối năm.

Thời gian gần đây, hàng loạt chương trình vay ưu đãi lớn nhỏ dành cho cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đã được các ngân hàng triển khai khá rầm rộ. Các ngân hàng “anh cả” đã tung ra những gói tín dụng hấp dẫn để thu hút khách hàng, kể cả các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất 8,2-8,5%/năm. Có ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng có giá trị 700 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ chênh lệch từ 1% so với lãi suất huy động từ dân cư.

Nếu lãi suất huy động là 6%/năm thì khách hàng sẽ được hưởng lãi suất vay là 7%/năm. Cách tính lãi suất này tạo sự linh hoạt cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Không chỉ tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh tài trợ vốn cho các doanh nghiệp lớn hoặc những khu vực kinh tế trọng điểm. Tính đến cuối tháng 11 vừa qua, dư nợ tín dụng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2012. Những hợp đồng tín dụng lớn, những gói tín dụng ưu đãi là những nỗ lực đáng kể từ phía ngân hàng để kích cầu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đích ngắm này lại gặp nhiều thách thức từ phía doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dù đã có cải thiện hơn so với trước nhưng nhìn chung khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn do cầu tiêu dùng trong nền kinh tế cải thiện khá chậm. So với những năm trước, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay không cao bằng. Nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn khó khăn, nên nhu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với mấy năm trước.

Người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu, hạn chế tiêu thụ hàng hóa. Vì vậy, để khơi thông dòng vốn ách tắc và hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng cần chủ động “áp sát”  khách hàng, đánh giá và “chọn mặt” để cho vay, đồng thời tiếp tục tìm cách hạ chi phí vốn vay nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Chẳng hạn, ở TP.HCM đã có chương trình “kết nối ngân hàng với doanh nghiệp” với nội dung: ký kết thật và làm thật, triển khai ở 24 quận, huyện. Đã có hàng trăm doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã có điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất ngắn hạn 9%/năm và trung, dài hạn là 9% đến 12%/năm.

Cuối năm, các ngân hàng đang gấp rút hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm và cũng là mùa làm ăn của doanh nghiệp, hộ sản xuất, tiểu thương. Một bên cần “giải phóng” vốn, một bên rất “khát” vốn. Đây là quan hệ cộng sinh, đôi bên đều cần nhau, đều có lợi.