Độc đáo: Xem "võ sỹ" dê dũng mãnh tung đòn hiểm ác

ANTĐ -Đến với huyện vùng cao Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang người ta không chỉ nhớ tới những cung đường ngoằn nghèo, uốn lượn được tô điểm với những thửa ruộng bậc thang tựa như một dải lụa vắt lưng chừng trời, mà mỗi độ xuân về, đồng bào các dân tộc nơi đây lại nô nức đi xem hội... chọi dê.

Hoàng Su Phì là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang, chất chứa biết bao nhiêu nhọc nhằn, khắc nghiệt của tạo hóa với “sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút” rồi “rét thì rét đến tái tê lòng người”... Mảnh đất nghèo khó ấy là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em với tổng số 12.534 hộ tương ứng với 61.738 nhân khẩu nằm rải rác tại 25 xã, thị trấn.

Các “võ sĩ dê” bật cao dồn sức nhằm hạ gục đối phương ngay từ miếng đánh đầu.

Cuộc sống mưu sinh, chống chọi với những khắc nghiệt của tạo hóa nên đồng bào các dân tộc nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc. Trong đó, dê luôn được coi là con vật làm đổi thay cuộc sống, con vật mang tới ấm no cho đồng bào. Theo thống kê, tổng đàn dê của toàn huyện hiện có hơn 24.255 con. Tưởng chừng cái đói, cái nghèo cứ bủa riết nhưng từ trong lao khó, đồng bào đã tìm ra được những giá trị tinh thần cao đẹp khi sáng tạo ra lễ hội chọi dê đậm đà bản sắc, “có một không hai”, gắn liền với những nhọc nhằn vất vả của cuộc sống thường ngày.

Trong mỗi đàn dê thường có một con đực là đầu đàn, giữ vai trò như một thủ lĩnh nhưng không phải để bảo vệ bầy đàn mà chủ yếu là giữ vai trò duy trì nòi giống, bởi dê là một trong những loài động vật có khả năng tính dục cao. Cùng với việc nuôi dê, từ xa xưa người dân ở đây vẫn thường cho dê chọi nhau, một mặt để giải trí nhưng ẩn chứa sau đó là quan niệm về sự sinh sôi nảy nở và sự trường tồn giống nòi.

Trong một chuyến khảo sát các hoạt động văn hoá thể thao dân gian truyền thống, ông Lù Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, đã bật lên ý tưởng có thể tổ chức và duy trì môn chọi dê thành môn thể thao truyền thống mang quy mô cấp huyện, bởi chọi dê đã được người dân tổ chức tại các thôn, bản từ bao đời nay. Việc tổ chức lễ hội độc đáo này ngoài việc góp phần bảo tồn các vốn văn hóa, thể thao truyền thống, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý đối với các loại vật nuôi của các dân tộc trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì và qua đó còn thúc đẩy phong trào chăn nuôi trong các hộ gia đình, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương.

Những cú bổ lao dũng mãnh.

Vậy là lễ hội chọi dê được hình thành với mục đích thông qua những cuộc thi để chọn ra những con dê giống tốt nhất. Đây cũng là nét văn hóa mới, giải trí lành mạnh trong các lễ hội đầu năm để bà con giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, phát triển đàn dê trong cộng đồng.

Những ngày đầu xuân, khi những cánh hoa mơ, hoa mận nở trắng cả bìa rừng, những cành đào đang khoe sắc thắm trên những cung đường ngoằn nghèo trong mây trắng, đồng bào lại nô nức xuống phố huyện trẩy hội. Từ năm 2011 tới nay, lễ hội chọi dê Hoàng Su Phì đã được tổ chức 3 lần và trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu mỗi độ xuân về. Qua 3 lần tổ chức, lễ hội Chọi dê Hoàng Su Phì đã được xây dựng thành một hoạt động truyền thống và tổ chức một cách bài bản.

Đối tượng tham dự lễ hội là các hộ gia đình, cá nhân đang công tác, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn các xã, bản trên địa bàn huyện có dê chọi tốt thuộc sở hữu của gia đình được đăng ký tham gia; tuy nhiên mỗi xã không quá 2 con. Các cặp dê tham gia giải phải được qua sơ tuyển tại các xã, thị trấn trước khi tham gia lễ hội cấp huyện ít nhất 20 ngày.

Thời gian tổ chức lễ hội thường diễn ra vào dịp đầu tháng 2 âm lịch khi mà bao bộn bề của công việc cấy cày đã được gác lại. Tại vòng chung kết lễ hội chọi dê, sẽ có 5 hạng cân tranh tài (từ 25 đến 30kg, từ 31 đến 35 kg, từ 36 đến 40 kg, từ 41 đến 50kg, từ 51kg trở lên) với tổng số dê là 40 con. Để có thể góp mặt tại vòng chung kết diễn ra tại sân vận động trung tâm của huyện, các “võ sĩ” dê phải trải qua vòng đấu loại trực tiếp tại các thôn bản để chọn ra những “võ sĩ anh dũng" nhất, đại diện cho địa phương tham dự giải.

Sới chọi dành cho các “đấu sĩ râu dài” là một khoảng sân rộng được bảo vệ bằng những thân vầu, hay luồng loại cây gắn bó chặt chẽ với đời sống của nhân dân. Những chú dê núi thường ngày hiền lành thơ thẩn kiếm ăn trên các sườn núi, nay được chủ nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo và dạy cho những miếng đòn để đem đi tranh giải trông thật dũng mãnh.

Trước khi vào trận đấu, mỗi "đấu sĩ" dê đều có số báo danh, tham gia thi đấu ở các hạng cân và theo thể thức loại trực tiếp, để chọn chú dê khỏe nhất vào chung kết. Thường ngày hiền lành là thế nhưng khi đã “xung trận” các “võ sĩ” đã hoàn toàn “lột xác” với những ánh mắt sắc lẹm, những miếng võ điêu luyện hay đòn đánh hiểm hóc. Bằng những cú bổ lao dũng mãnh hay màn khóa sừng, lừa miếng rồi bật cao dồn sức tấn công... tất cả nhằm áp đảo đối phương để giành điểm chiến thắng.

Màn đấu sừng đầy căng thẳng.

Dưới sự hò reo, cổ vũ nhiệt tình của khán giả đã làm cho sới chọi càng trở nên nóng bỏng, các chú dê hăng máu tung ra những miếng đòn hiểm ác nhằm hạ gục đối phương. Không những thế, bằng những câu khẩu lệnh của “huấn luyện viên” như: lùi lại, nhẩy lên, lao vào, đánh… được các chủ dê liên tục hô lên trong suốt trận đấu càng làm cho không khí của các trận đấu thêm căng thẳng và náo nhiệt.

Thời gian quy định cho mỗi tráp đấu là 15 phút nhưng có những cặp đấu dai sức và lỳ đòn thì hầu như trận đấu nào của các “đấu sĩ” dê cũng diễn ra rất sôi nổi, có trận kéo dài 30 – 40 phút. Với bản năng mãnh liệt của loài dê trong việc chọn lọc và duy trì nòi giống nên các trận đấu không chỉ có sức mạnh về thể lực mà còn thể hiện cả bản lĩnh của những chú dê đầu đàn.

Không giống như chọi trâu, chọi ngựa... chọi dê mang nhiều nét độc đáo riêng. Dê thi đấu theo… hứng thú và tỏ ra “khá lịch sự”. Những chú dê nhỏ bé tưởng chừng như yếu ớt nhưng khi lâm trận lại rất dũng mãnh và gan dạ. Nếu “nổi hứng”, các “võ sĩ râu dài” có thể chiến đấu với nhau đến nửa ngày mà vẫn bất phân thắng bại, kẻ yếu thế dù có bị dính nhiều đòn nhưng nhất quyết không bỏ chạy. Nhưng khi đã không thích thì dù đang chủ động tấn công và giành lợi thế hoàn toàn nhưng lại có thể bất ngờ dừng lại, quay đầu ra sau với thái độ rất thờ ơ. Đối phương đuổi theo ra đòn nhưng không thấy được “nghênh chiến” thì cũng chẳng muốn truy cản đến cùng. Cuộc chiến kết thúc trong những tiếng xuýt xoa đầy luyến tiếc của khán giả và luôn làm... khó cho tổ trọng tài...

Theo những chủ dê có nhiều kinh nghiệm, muốn “đào tạo” ra được một “võ sĩ dê” thực sự, có khả năng tung ra nhưng thế võ quyết định có thể hạ gục đối phương và giành chiến thắng thì ngoài việc phải tách đàn và cho ăn theo chế độ riêng còn phải có lịch tập bài bản và chi tiết. Thông thường, dê chọi phải có tuổi đời từ một năm trở lên mới đủ “chín chắn” và thông minh để tham gia huấn luyện. Trước ngày thi đấu hai tháng, người nuôi thường cho dê chạy bền để rèn luyện sự dẻo. Việc tập cho dê đánh nhau cũng là một trong nhiều cách để tích lũy kinh nghiệm trước khi lên sàn đấu.

Cuộc thi nào cũng có kẻ thắng, kẻ thua, nhưng khác với hội thi chọi trâu, kết thúc hội chọi dê, những chú dê dù thắng hay thua, vẫn lẽo đẽo theo chân chủ vượt núi về nhà mà không bị xẻ thịt… Còn những chú dê đoạt giải cao sẽ được lựa chọn để phối giống... giữ nguồn gen quý. Việc tổ chức giải chọi dê, theo ông Trần Chí Nhân, Phó trưởng phòng văn hóa huyện Hoàng Su Phì có ý nghĩa rất lớn, không chỉ khuyến khích bà con mở rộng chăn nuôi và duy trì chất lượng đàn dê trong huyện mà còn là một sân chơi bổ ích, tạo nên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc vùng cao.