Doanh nghiệp trị giá "tỷ đô" luôn tư duy với tinh thần khởi nghiệp

ANTD.VN - Trong thời gian qua, làn sóng khởi nghiệp (start-up) đã trở nên mạnh mẽ tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Phần vì nó được truyền cảm hứng từ những người trẻ đã dám dấn thân và giành được nhiều thành công, phần vì công nghệ phát triển như vũ bão, tạo cơ hội hiện thực hóa nhiều ý tưởng sáng tạo. Một điều thú vị là start-up không chỉ thu hút người trẻ mà rất nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn cũng quan tâm, chẳng hạn như tập đoàn nước giải khát trị giá hàng tỷ đô như Tân Hiệp Phát. Tại sao vậy?

Tổng Giám đốc Trần Quí Thanh: "Tân Hiệp Phát đã đi chặng đường 25 năm, thời gian vừa đủ để tôi gọi là khởi đầu cho một hoài bão trăm năm. Suốt thời gian đó tôi đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi thấy đã chấp nhận ra biển lớn phải có sóng lớn. Ra biển mà không có bão mới lạ. Từ những trở ngại, chúng ta tìm ra cách thức vượt bão, đó mới là cái thú vị. Tôi cho đó là hương vị của hoạt động kinh doanh".

Bức tranh 2 màu về làn sóng khởi nghiệp 

Thống kê từ Công ty đầu tư mạo hiểm ESP Capital (TP.HCM) và Cento Ventures (Singapore) trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp của Việt Nam đã đạt 246 triệu USD với tổng số 56 giao dịch. Nếu tính tổng vốn đầu tư vào thị trường chung Đông Nam Á, Việt Nam đã chiếm 17% số vốn này. Tỉ lệ trên cao hơn hẳn mức 5% của cả năm 2018, giúp Việt Nam trở thành thị trường khởi nghiệp hấp dẫn thứ 3 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia (được nhận 48% số vốn) và Singapore (25%).

Không chỉ thành công về mặt thu hút vốn đầu tư, các dự án start-up ở Việt Nam còn tăng nhanh về số lượng. Từ 400 doanh nghiệp start-up hồi năm 2012, sau 3 năm, con số này lên tới 1.800 vào năm 2015. Tới năm 2017, số doanh nghiệp start-up của Việt Nam chạm mốc 3.000. Có thể nói, màu sắc tích cực nói trên có được là do khởi nghiệp đã đánh trúng tố chất sáng tạo, nhiều ý tưởng của người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ. Thay vì để ý tưởng trong đầu, người trẻ có cơ hội chưa bao giờ tốt hơn để biến nó trở thành hiện thực. Cùng với đó, những câu chuyện thành công ngoài sức tưởng tượng của các bạn trẻ khởi nghiệp trên toàn cầu cũng truyền cảm hứng mạnh mẽ để start-up Việt “bùng cháy”.

Một nguyên nhân khác giúp làn sóng khởi nghiệp thăng hoa là sự phát triển của công nghệ đã thay đổi nhiều mặt trong cuộc sống, biến những ý tưởng vốn từng bị coi là không khả thi trở nên thực tế. Chẳng hạn như ứng dụng của một dự án khởi nghiệp, có tính năng kết nối dịch vụ, nhà hàng với khách hàng để tiêu thụ các thực phẩm cận “date” lúc cuối ngày (bánh, đồ ăn, rau củ...). Ứng dụng này mang lại lợi ích cho tất cả: Dịch vụ/nhà hàng (khai thác tối đa sản phẩm) - Khách hàng (được mua với giá rẻ) - Start-up (được trích phần trăm doanh thu) - Xã hội (tránh lãng phí, bảo vệ môi trường)... 

Tuy nhiên, quay trở lại bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam thì bên cạnh gam màu tươi sáng nói trên, không thể không đề cập tới gam màu tối mà bất kỳ làn sóng start-up ở quốc gia nào cũng phải gặp. Thống kê chỉ ra rằng, có đến 80% số start-up Việt Nam thất bại ngay trong năm đầu tiên. Trong 3 năm tiếp theo, tỉ lệ này lên tới... 92%, dù cho các ý tưởng khởi nghiệp có hay đến thế nào. Trong đó, 2 nguyên nhân lớn nhất được các chuyên gia phân tích chỉ ra là do người làm start-up ở Việt Nam thiếu kỹ năng quản trị và tài chính. Do vậy, có thể ví hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam giống như một bức tranh có 2 gam màu sáng - tối song hành: Khoảng sáng rất “sáng” và đầy kỳ vọng, nhưng khoảng tối cũng rất cần chú ý, vì nó luôn tìm cách mở rộng ra cả bức tranh...

 

Trần Uyên Phương là tác giả người Việt đầu tiên và duy nhất hiện nay viết về doanh nghiệp Việt Nam được phát hành ở Mỹ

Sẻ chia hỗ trợ start-up

Khi làn sóng khởi nghiệp bùng nổ tại Việt Nam, có một yếu tố tích cực là lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn đã bày tỏ sự ủng hộ, sẻ chia ý nghĩa. Trong đó, Tân Hiệp Phát là một trong những cái tên được nhắc tới nhiều nhất.

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ rằng, bên cạnh việc hỗ trợ, quan tâm tới các ý tưởng start-up, mô hình khởi nghiệp trẻ, Tân Hiệp Phát còn duy trì tinh thần khởi nghiệp xuyên suốt hoạt động của mình. Bởi khởi nghiệp đồng nghĩa với “ý tưởng sáng tạo”, “thay đổi không ngừng” để hướng tới “sự khác biệt tích cực”. Từ quan điểm trên, lãnh đạo của Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã tham gia nhiều buổi chia sẻ về khởi nghiệp, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ để họ có thêm động lực bước vào một cuộc chơi vừa hấp dẫn, đam mê, lại vừa khó khăn và thách thức.

“Thành công lớn chỉ dành cho những người dám ước mơ lớn và dám quyết tâm thực hiện ước mơ” là câu nói được dẫn lại trong chương 3 cuốn sách “Competing with  Giants” (tạm dịch: Vượt lên người khổng lồ) của nữ doanh nhân Trần Uyên Phương. Câu nói và cũng là quan điểm này có thể trở thành bí quyết gối đầu giường cho những người khởi nghiệp. Bí quyết đó được đặt tên là: “Bí quyết nội lực dành cho start-up”.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 - sự kiện có tầm vóc quốc gia và quy tụ nhiều doanh nhân tới từ các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam - nữ doanh nhân Trần Uyên Phương đã mang tới bài chia sẻ “Không gì là không thể”. Đây là một trong những nội dung có sức truyền cảm hứng lớn nhất của sự kiện, trong đó, những chi tiết đắt giá lại vô cùng bình dị: Tân Hiệp Phát luôn kiên định tinh thần “không gì là không thể”, bắt nguồn từ những câu chuyện thuở sơ khai của nhà sáng lập.

Từ một cỗ máy phế thải từng bị cắt làm nhiều mảnh của Công ty Bia Sài Gòn, ông Trần Quí Thanh - người sáng lập ra Tân Hiệp Phát - đã mua về và giải thích trước những ánh nhìn ngờ vực của người thân cùng công nhân: “Dẫu nó chỉ còn cái khung sườn thì vẫn tốt hơn là phải tay không tự chế ra nguyên một cái máy”. Về sau, câu nói này trở thành lời truyền lửa mạnh mẽ trong nội bộ Tân Hiệp Phát. Còn với Dr.Thanh, ông chỉ mất 2 năm để chứng minh “không gì là không thể” với cỗ máy phế thải kia. Đó là tự tay sửa chữa để máy đạt được 80% công suất thiết kế ban đầu. Và từ đây, câu chuyện cổ tích về Tân Hiệp Phát bắt đầu được khơi mạch, thành dòng.

Gần 1 năm trước bài chia sẻ “Không gì là không thể”, vào tháng 8-2018 tại sự kiện Vietnam CEO Congress 2018, ông Trần Quí Thanh đã trực tiếp đăng đàn nói về tư duy khởi nghiệp và chiến lược phát triển “vươn ra biển lớn”. Tại đây, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát nói rằng, kể cả khi họ đã ở vị thế là một “doanh nghiệp tỷ đô” với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm thì Tân Hiệp Phát vẫn luôn giữ trong mình tinh thần khởi nghiệp: Khởi nghiệp bằng những sản phẩm mới, bằng cách vượt qua khó khăn, thách thức mới...

Tại sao bỗng dưng chúng ta lại nhắc về “Không gì là không thể” và tinh thần khởi nghiệp của Tân Hiệp Phát? Là bởi, trong thế thắng ở thị trường nước giải khát nội địa, với hàng loạt nhãn hàng đóng đinh trong tâm trí người tiêu dùng như Trà xanh 0 độ, Trà thanh nhiệt DrThanh, Nước tăng lực  Number 1, thì Tân Hiệp Phát vẫn không dừng lại. Họ tiếp tục chứng minh những gì nhà sáng lập nói là đúng, bằng việc đưa ra thị trường các sản phẩm mới đầy thách thức: Trà sữa Macchiato 0 độ, và mới nhất là Nước tăng lực Number 1 Cola - sản phẩm nước tăng lực vị Cola đặc trưng đầu tiên ở Việt Nam. Với những sản phẩm mới xuất hiện đó, Tân Hiệp Phát tiếp tục được sống trong tinh thần “khởi nghiệp” để đưa các nhãn hàng hậu duệ vươn tới đích thành công.